TP. Hồ Chí Minh: Công ty 'con' của SAMCO liên tiếp 4 lần tổ chức đại hội cổ đông thất bại

Công ty Cổ phần vận tải biển Sài Gòn (SSC), đơn vị thành viên, Công ty 'con' của Tổng Công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 nhưng không thành công. Từ năm 2022 đến nay, đây là lần thứ 4 liên tiếp đại hội cổ đông của công ty này thất bại bởi bất ổn về công tác nhân sự, điều hành và 'mập mờ' trong công tác tài chính.

Trình đại hội hàng loạt báo cáo tài chính chưa kiểm toán

Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn thất bại lần thứ 4 liên tiếp

Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn thất bại lần thứ 4 liên tiếp

Ngày 10.7.2024, SSC, tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024. Theo dự thảo nội dung chương trình, ĐHCĐ diễn ra trong buổi sáng nhưng ĐHCĐ đã diễn ra đến cuối giờ chiều cùng ngày nhưng vẫn không thành công với hàng loạt vấn đề bất thường khiến cổ đông bức xúc.

Tại ĐHCĐ, ông Lê Minh – Chủ tịch HĐQT không có mặt mà ủy quyền cho bà Huỳnh Như Ý – Thành viên HĐQT làm chủ tọa điều hành.

Thể lệ làm việc và biểu quyết tại ĐHCĐ có nội dung “để làm rõ, không phụ thuộc vào kết quả biểu quyết từng phần trước đó, biên bản họp và nghị quyết toàn văn của ĐHCĐ được thông qua khi có số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận có giá trị pháp lý cuối cùng và có hiệu lực thi hành đối với tất cả cổ đông công ty và với công ty”.

Nội dung này bị cổ đông phản đối vì cho rằng, làm như vậy là vi phạm pháp luật và không khách quan. Bởi, kết quả biểu quyết từng phần đã có giá trị pháp lý ngay sau khi có kết quả biểu quyết, nếu tiếp tục biểu quyết nghị quyết toàn văn là biểu quyết 2 lần. Hơn nữa, với việc SAMCO là cổ đông lớn (chiếm hơn 51% cổ phần), có thể phủ quyết nghị quyết toàn văn đại hội nếu có nội dung bất lợi, dẫn tới kết quả ĐHCĐ bất thành và không khách quan.

SSC cũng trình ra đại hội cổ đông các báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2021, 2022, 2023 và công bố là các báo cáo tài chính này “đã được kiểm toán”.

Tuy nhiên thực tế, các báo cáo tài chính trên đều chỉ là báo cáo tài chính do công ty tự lập, không phải báo cáo tài chính đã kiểm toán. Việc công ty không trình được các báo tài chính đã được kiểm toán khiến cho cổ đông bức xúc, phản đối.

Các cổ đông đã đặt câu hỏi tới Chủ tịch đoàn điều hành đại hội là theo quy định báo cáo tài chính cần phải được kiểm toán độc lập trước khi trình tại ĐHĐCĐ vậy với việc SSC đưa ra biểu quyết tại đại hội bản báo cáo tài chính do công ty tự lập mà không được kiểm toán độc lập theo quy định thì có hợp lệ hay không? Nếu không hợp lệ thì việc đưa ra biểu quyết nhằm mục đích gì?

Các cổ đông cũng đặt vấn đề tới Chủ tịch đoàn điều hành đại hội là tại sao báo cáo tài chính của SSC không được đơn vị kiểm toán độc lập thông qua? Lý do phía đơn vị kiểm toán phủ nhận báo cáo của SSC lập là gì? Là do SSC lập sai hay công ty cố tình lập thiếu nội dung nào đó?

Trước các câu hỏi của các cổ đông, Chủ tịch đoàn điều hành đại hội chưa trả lời rõ các nội dung thắc mắc của các cổ đông. Phía Chủ tịch đoàn điều hành đại hội cho rằng việc không trình được báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập là do bên kiểm toán phát hành báo cáo nên chưa thể trình tại đại hội.

Có mặt tại đại hội, đại diện đơn vị kiểm toán đã trả lời rõ với các cổ đông là bên kiểm toán đã phát hành báo cáo kiểm toán gửi SSC rồi nhưng phía SSC chưa ký để phát hành vì còn một số điểm sai sót.

Tổ chức bầu HĐQT khi chỉ có 1 thành viên Ban kiểm phiếu

Chủ tịch đoàn điều hành đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2024 của SSC

Chủ tịch đoàn điều hành đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2024 của SSC

Chương trình ĐHCĐ cũng dự kiến miễn nhiệm các thành viên HĐQT là đại diện vốn của SAMCO tại SSC. Đây là những thành viên có trách nhiệm trực tiếp liên quan đến các kết luận của thanh tra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, kết quả biểu quyết tại ĐHCĐ chỉ có ông Lê Minh được cổ đông SAMCO biểu quyết cho miễn nhiệm khi đã đến tuổi nghỉ hưu, các thành viên khác được giữ lại, tiếp tục là đại diện vốn của SAMCO tham gia HĐQT.

Đáng chú ý, khi tiến hành bầu cử HĐQT, 1 thành viên trong Ban kiểm phiếu (nguyên là Phó Tổng Giám đốc SSC) đã bỏ về khi việc tiến hành bầu cử tại đại hội đang diễn ra. Việc khuyết thành viên trong ban kiểm phiếu khiến cho đại hội phải tiến hành bầu bổ sung thành viên Ban kiểm phiếu. Tuy nhiên, việc bầu bổ sung thành viên Ban kiểm phiếu thất bại khiến cho công tác bầu cử phải xem xét tính pháp lý tại đại hội.

Bà Huỳnh Như Ý (thành viên HĐQT SSC, đại diện phần vốn của SAMCO tại SSC) vẫn cho tiếp tục bầu cử tại đại hội khi chỉ có 1 thành viên ban kiển phiếu thực hiện kiểm phiếu bầu

Bà Huỳnh Như Ý (thành viên HĐQT SSC, đại diện phần vốn của SAMCO tại SSC) vẫn cho tiếp tục bầu cử tại đại hội khi chỉ có 1 thành viên ban kiển phiếu thực hiện kiểm phiếu bầu

Thành viên trong đoàn chủ tọa đại hội là ông Nguyễn Văn Long yêu cầu dừng việc tiến hành bầu cử do Ban kiểm phiếu không đủ thành viên, không bảo đảm tính minh bạch, khách quan theo quy định pháp luật. Tuy nhiên chủ tọa phiên họp là bà Huỳnh Như Ý cho rằng, việc khuyết thành viên Ban kiểm phiếu không ảnh hưởng và tiếp tục cho tiến hành việc bầu cử với 1 thành viên Ban kiểm phiếu đồng ý tiếp tục làm việc. Việc tiếp tục tiến hành bầu cử diễn ra trong hỗn loạn khiến cho một số cổ đông bỏ về. Biên bản đại hội cuối cùng cũng không được đại hội thông qua vì không đạt tỷ lệ đồng ý thông qua.

Trước đó, ĐHCĐ năm 2022, ĐHCĐ bất thường năm 2022, ĐHCĐ năm 2023 cũng không thành công. Với việc liên tiếp 4 lần tổ chức ĐHCĐ thường niên và bất thường không thành công, khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi với SAMCO, ban tổ chức ĐHCĐ SSC về các vấn đề như: vì sao báo cáo tài chính các năm trình ra ĐHCĐ chưa được kiểm toán? Vì sao báo cáo tài chính có nhiều hàng mục bị loại trừ? Vì sao các đại diện vốn có nhiều sai phạm đã được thanh tra chỉ tra, bị cổ đông phản đối chưa được miễn nhiệm? Vì sao thành viên ban kiểm phiếu (nguyên là lãnh đạo SSC) lại bỏ về khi đang tiến hành thủ tục bầu bổ sung thành viên HĐQT? Việc bầu cử chỉ với 1 thành viên Ban kiểm phiếu liệu có khách quan, minh bạch?

SAMCO là đơn vị sở hữu 51% vốn điều lệ và chi phối tại SSC

SAMCO là đơn vị sở hữu 51% vốn điều lệ và chi phối tại SSC

* Tại đại hội, đại diện Công ty kiểm toán cho biết, trong báo cáo tài chính có nhiều hạng mục bị loại trừ, có nhiều sai phạm về công tác tài chính kế toán. Cụ thể các sai phạm như thế nào? Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Nguyễn Tuấn - Thạc Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/tp-ho-chi-minh-cong-ty-con-cua-samco-lien-tiep-4-lan-to-chuc-dai-hoi-co-dong-that-bai-i379142/