TP. Hồ Chí Minh: Cuối năm, nhiều mặt bằng tại vị trí 'vàng' vẫn 'ngủ đông'

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến dịp Tết Nguyên đán 2025, thế nhưng, trái ngược với sự nhộn nhịp thường thấy, nhiều mặt bằng tại các tuyến đường có vị trí 'vàng' tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh lại đang 'ngủ đông' đóng cửa im lìm, treo biển cho thuê.

Nhiều mặt bằng tại vị trí “vàng” của quận 1, TP. Hồ Chí Minh vẫn “ngủ đông”. Ảnh: Hoàng Dương.

Nhiều mặt bằng tại vị trí “vàng” của quận 1, TP. Hồ Chí Minh vẫn “ngủ đông”. Ảnh: Hoàng Dương.

“Ngủ đông” cả năm

Theo ghi nhận của phóng viên TBTCVN ngày 26/12/2024, tại các tuyến đường trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh như: Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… không khó để bắt gặp những tấm biển "cho thuê" cỡ lớn được treo trước những mặt bằng rộng rãi. Ngoài những biển “cho thuê” còn mới thì có những tấm biển đã mục nát, phủ bụi thời gian.

Chị Nguyễn Thủy – Chủ một mặt bằng trên đường Lê Lợi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặt bằng của chị có tổng diện tích gần 200 mét vuông, bề ngang rộng gần 5 mét, thiết kế 3 lầu,… chị chào giá cho thuê là hơn 230 triệu/tháng cả năm nay, nhưng không có người thuê.

Một mặt bằng trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh treo biển cho thuê. Ảnh: Hoàng Dương.

Một mặt bằng trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh treo biển cho thuê. Ảnh: Hoàng Dương.

Theo khảo sát của các công ty bất động sản, hiện tại giá thuê mặt bằng tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm từ 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn khách thuê.

Còn anh Đông – Chủ một mặt bằng trên đường Điện Biên Phủ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh cũng cho hay, kể từ sau dịch Covid – 19, mặt bằng của anh đã đổi đến 6 người thuê, hiện tại đang trống, treo biển cho thuê mấy tháng nay nhưng vẫn chưa có khách. “Mấy người trước, người thì mở quán ăn, người thì mở quán cà phê,… nhưng cũng chỉ được vài tháng hoặc 1 năm là họ xin dừng hợp đồng vì kinh doanh không hiệu quả. Tôi đã giảm giá, nhưng cũng chẳng có ai thuê”, anh Đông cho biết thêm.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ mặt bằng có vị trí “vàng” tại trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh vắng khách thuê, ngay cả nhiều mặt bằng có vị trí đẹp tại một số đường thuộc quận: Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận,… của TP. Hồ Chí Minh cũng treo biển cho thuê. Có mặt bằng đã phủ bụi thời gian, có nơi được sơn sửa lại, nhưng đều có điểm chung là treo biển hoặc băng rôn với nội dung cho thuê mặt bằng (chính chủ) kèm số điện thoại.

Nhiều mặt bằng trên đường Phan Đăng Lưu (địa bàn quận Phú Nhuận và Bình Thạnh), TP. Hồ Chí Minh cũng treo biển cho thuê. Ảnh: Hoàng Dương.

Nhiều mặt bằng trên đường Phan Đăng Lưu (địa bàn quận Phú Nhuận và Bình Thạnh), TP. Hồ Chí Minh cũng treo biển cho thuê. Ảnh: Hoàng Dương.

Ngoài ra, nhiều người đi thuê cũng lựa chọn trả mặt bằng vì kinh doanh thua lỗ. Chị Vũ Hạnh – Ngụ tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây chị có thuê mặt bằng mở quán ăn trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, nhưng lượng khách đến quán cứ thưa dần, không đủ tiền trả nên sau 6 tháng, chị “phá hợp đồng”, trả lại nhà.

“Bây giờ mọi người đặt đồ ăn online nhiều nên cũng ít người đến quán ăn trực tiếp, tôi về nhà mở quán ăn, tuy diện tích nhỏ nhưng cũng có nhiều khách hàng online nên cũng có lợi nhuận”, chị Vũ Hạnh thông tin.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến cảnh “đìu hiu”

Theo nhiều chuyên gia, người từng đi thuê, môi giới bất động sản,… cảnh “đìu hiu” của phân khúc cho thuê mặt bằng tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều nguyên nhân như người tiêu dùng thay đổi thói quen, các kênh thương mại điện tử phát triển, biến động về kinh tế...

Một cửa hàng trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 treo biển cho thuê và là nơi nghỉ chân của nhiều người. Ảnh: Hoàng Dương.

Một cửa hàng trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 treo biển cho thuê và là nơi nghỉ chân của nhiều người. Ảnh: Hoàng Dương.

Ông Trần Phi – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ MIB, trước đây công ty ông chuyên môi giới bất động sản tại các phân khúc nhà phố, đất nền…, đặc biệt là phân khúc cho thuê mặt bằng kinh doanh (là một trong những mảng mang lại doanh thu chủ đạo của công ty), nhưng 2 năm trở lại đây, phân khúc này bị sụt giảm. Đến thời điểm hiện tại thì không còn môi giới phân khúc này nữa.

Có thể do người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, cộng thêm nhiều nhà phố có nhược điểm mặt tiền, diện tích hẹp, không có chỗ đỗ xe... nên kém thu hút khách thuê. “Kể cả nằm ở vị trí trung tâm, nếu không đem đến trải nghiệm mua sắm thuận tiện cho khách hàng cũng khó được chủ kinh doanh lựa chọn”, ông Trần Phi nhận định.

PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình, chuyên gia kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh thì cho biêt, sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “đìu hiu” của thị trường mặt bằng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh như hiện nay. Nếu như trước đại dịch Covid-19, vào năm 2016, mức chi tiêu mua sắm online trung bình của người Việt là 170 USD/người, năm 2017 là 186 USD/người, thì đến năm 2022, con số này là 288 USD/người.

Xu hướng tiêu dùng online là một trong những nguyên nhân dẫn đến phân khúc cho thuê mặt bằng kinh doanh "đìu hiu". Ảnh: Hoàng Dương.

Xu hướng tiêu dùng online là một trong những nguyên nhân dẫn đến phân khúc cho thuê mặt bằng kinh doanh "đìu hiu". Ảnh: Hoàng Dương.

Theo báo cáo về lĩnh vực thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, năm 2023, với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD.

Có thể thấy bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2024, đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp - PGS, Tiến sĩ PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình cho biết thêm.

Ngoài ra, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, phân khúc nhà phố cho thuê chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với các trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, một số ngành hàng phổ biến như thời trang, phụ kiện chứng kiến cuộc "tháo chạy" khỏi các mặt bằng nhà phố. Bởi thay vì bỏ chi phí lớn vào mặt bằng ở vị trí đẹp, họ chuyển sang thuê nhà trong ngõ để mở rộng kho hàng và tập trung làm marketing trên các kênh online.

Theo báo cáo mới đây của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, người Việt chi cho mua hàng online trung bình 1 tỷ USD mỗi tháng. Trong đó, 32% người tiêu dùng mua sắm online vài lần một tuần. Do đó, những nhóm hàng như thời trang, phụ kiện... vốn chuộng mặt bằng đẹp trước đây có xu hướng giảm mạnh nhu cầu thuê nhà phố.

Từng là nơi được thương hiệu thời trang nổi tiếng thuê, hiện tại mặt bằng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh vẫn đang đợi khách thuê mới. Ảnh: Hoàng Dương.

Từng là nơi được thương hiệu thời trang nổi tiếng thuê, hiện tại mặt bằng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh vẫn đang đợi khách thuê mới. Ảnh: Hoàng Dương.

Còn ông Lê Vạn Lý, môi giới bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát của các công ty bất động sản, giá thuê mặt bằng tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm từ 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn khách thuê.

“Theo tôi, những người thuê không nêu rõ lý do trả mặt bằng nhưng chúng ta cũng có thể ngầm hiểu rằng chính biến động thị trường và đặc biệt là thói quen mua sắm qua các trang thương mại điện tử bùng nổ những năm gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này. Ngoài việc đợi thị trường cho thuê hồi phục (phụ thuộc vào sự cải thiện của kinh tế và xu hướng kinh doanh mới) thì chủ nhà cần linh hoạt hơn về giá cả và điều kiện thuê để đáp ứng nhu cầu hiện tại”, ông Lý nhận định./.

Hoàng Dương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-cuoi-nam-nhieu-mat-bang-tai-vi-tri-vang-van-ngu-dong-167439.html