TP Hồ Chí Minh: Đề xuất mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên/20.000 dân
Đề xuất được nêu trong chương trình 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' sáng qua (13/2) với chủ đề 'Y tế cơ sở - Sức khỏe cộng đồng' do HĐND TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Đài Truyền hình thành phố tổ chức.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng cho biết, đợt dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy sự quá tải của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Hiện nay, khối lượng công việc của các trạm y tế rất lớn, thậm chí là khổng lồ, trong đó phải đảm đương 19 chương trình mục tiêu quốc gia sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, sức khỏe người cao tuổi; các chương trình đặc thù về lao, HIV/AIDS… Với khối lượng công việc lớn trong khi biên chế còn hạn hẹp, nhân viên y tế cơ sở phải cố gắng chia sẻ, chia nhau tăng ca, trực gác, thậm chí một người đảm đương nhiều vị trí, nhiều nhiệm vụ.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lâm Hùng Tấn, hiện nay mỗi trạm y tế trong thành phố chỉ 5-10 nhân viên y tế, không thể đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là trong đợt bùng phát dịch vừa rồi. Với số lượng nhân viên như thế, chỉ phù hợp với địa bàn phường, xã, thị trấn có từ 6.000-20.000 dân. Tuy nhiên, tại TP HCM có số lượng dân số rất đông, hầu hết các phường có trên 50.000 dân, thậm chí phường, xã, có trên 100.000 dân. Do đó, TP HCM đã đề xuất Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên/20.000 dân và cứ thêm 2.000-3.000 dân thì tăng thêm 1 nhân viên y tế nhằm đảm bảo phù hợp với quy mô, mật độ và cơ cấu dân số các địa bàn có đông dân cư.
Đại diện Sở Y tế TP cho biết, thời gian tới, Sở Y tế phối hợp với các địa phương sẽ có kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung nhân sự để tiến tới tăng số lượng và chất lượng các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, góp phần trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân được tốt hơn…
Ngoài ra, UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các phần mềm quản lý dữ liệu ngành y tế, quản lý hồ sơ bệnh án nhân dân tại các trạm y tế và đảm bảo liên thông tuyến trên đạt hiệu quả để từng bước phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình; nghiên cứu mô hình hoạt động trạm y tế theo các hình thức công – tư nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất. UBND TP cũng sẽ sớm thực hiện các bước quy trình sớm nhất có thể việc chuyển các trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế về quận, huyện, TP Thủ Đức quản lý.
Tại chương trình, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế cũng được lãnh đạo các sở ngành nhấn mạnh là cấp bách và cần thiết. Nhu cầu vốn từ 2021-2025 của ngành y tế TP HCM là 10.700 tỷ đồng cho 79 dự án để xây mới, cải tạo đầu tư cơ sở vật chất. Riêng năm 2022, TP sẽ bố trí 60 dự án tổng số vốn 5.042 tỷ đồng. TP HCM đã đầu tư, nâng cấp sửa chữa 68 trạm y tế. Hàng năm mỗi trung tâm y tế được đầu tư phân bổ sửa chữa 1 trạm y tế. Trong năm 2022, kế hoạch đầu tư của TP HCM dành cho sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế sẽ cao hơn nhiều so với những năm trước, trong đó có 6 trung tâm y tế được ngành y tế trình để được phân bổ kinh phí, thực hiện nâng cấp cải tạo, sửa chữa.