TP Hồ Chí Minh đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm
Ngày 1-11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP). Mô hình này đã phát huy hiệu quả khi đã giải quyết được những hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và các đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác an toàn thực phẩm.
Mô hình Ban Quản lý ATTP kết hợp lực lượng từ 03 Sở (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Mô hình này ra đời giải quyết căn bản vấn đề cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. Việc kết hợp lực lượng quản lý từ 03 sở không làm tăng biên chế (thực tế chưa sử dụng hết biên chế vì có các trường hợp chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu trong khi Ban Quản lý không được tuyển mới công chức), nhưng đã làm tăng hiệu quả trong phân công, xử lý công việc khi chỉ còn một đầu mối.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của 03 Sở nên tùy thời điểm và tình hình mà có thể được ưu tiên tập trung giải quyết hay không. Trong khi hiện nay, đây là mục tiêu số một, là nhiệm vụ hàng đầu luôn được Ban Quản lý tập trung giải quyết. Việc có một cơ quan cấp sở tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng nói lên tầm quan trọng của vấn đề này với người dân thành phố.
Trong 3 năm thí điểm, các chương trình hành động của đơn vị này luôn hướng tới mục tiêu “xây thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn”, xây thực phẩm sạch trong cả hai khâu sản xuất và kinh doanh phân phối.
Đặc biệt, lực lượng thanh tra của Ban Quản lý ATTP còn rất linh động trong việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng ngay các quy định về hàng gian, hàng giả của ngành Công thương, tiêu hủy tại chỗ các thực phẩm có dấu hiệu nhiễm bệnh, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thay cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm như trước đây.
Hiện nay TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được 10 đội quản lý ATTP, gồm 2 đội quản lý 2 chợ đầu mối là chợ Bình Điền và chợ Hóc Môn được phân công kiểm soát toàn bộ thực phẩm về chợ hàng đêm và 8 đội quản lý ở 24 quận, huyện của thành phố.
Tuy nhiên, dù hoạt động hiệu quả nhưng hệ thống các đội quản lý ATTP thuộc phòng Thanh tra đang thực hiện nhiều chức năng nhiệm vụ, mà nhân lực lại thiếu.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những kết quả mà Ban Quản lý ATTP làm được trong 3 năm qua và chỉ đạo Ban cần tiếp tục bám sát các chương trình mục tiêu của Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước đảm bảo ATTP; đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp với điều kiện của người dân thành phố; tăng cường, mở rộng hợp tác để bảo đảm ATTP; kiểm soát chặt chẽ hóa chất bảo vệ thực vật, các chất cấm trong sản xuất thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu.
Phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông và tiêu dùng; có những biện pháp phù hợp, kiên quyết để phòng, chống nạn hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường. Xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm ATTP.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo Sở Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Sở ATTP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn.
Dịp này, UBND TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 19 tập thể và 22 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP.