TP Hồ Chí Minh gia tăng hiệu quả liên kết du lịch - Bài 4: Phát triển dòng khách cao cấp

Với sự đa dạng tài nguyên du lịch như rừng, biển, sông, hồ... vùng Đông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh) đang phát triển nhiều loại hình du lịch. Tuy nhiên, để ngành du lịch của các tỉnh Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động liên kết để phát triển dòng khách cao cấp để kéo dài thời gian lưu trú của du khách lâu hơn.

Du khách đi cáp treo tham quan núi Bà Đen, Tây Ninh

Du khách đi cáp treo tham quan núi Bà Đen, Tây Ninh

Phát triển dòng khách cao cấp

Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng nhóm liên kết du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ cho biết, Đông Nam Bộ là một vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ cùng các hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề… Vì vậy, các tỉnh có nhiều cơ hội phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau, trong đó cần ưu tiên dòng khách cao cấp để tăng nguồn thu từ du lịch cho các tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Hải, hiện nay ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung vẫn đang ở thế bị động; các tiềm năng du lịch nhiều năm qua chưa được khai thác triệt để; các sản phẩm du lịch đang ở thế dở dang, không hoàn hảo, thiếu đặc sắc và phát triển có tính tự phát; thiếu sự gắn kết để bổ sung, hỗ trợ nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn; không có sản phẩm mới, thừa nghỉ dưỡng, thiếu vui chơi, giải trí… vì vậy không thể lưu giữ khách dài ngày.

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong việc liên kết du lịch với các tỉnh của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết lâu nay TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu và là tỉnh “gửi khách” lớn nhất đi các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, việc liên kết và xúc tiến phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ lại chưa được chú trọng, chẳng hạn như du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chưa xúc tiến vào TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Vì vậy, việc kết nối trong hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ vẫn còn thiếu các sản phẩm liên tuyến, liên vùng có giá tốt dành cho du khách.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thời gian tới đây, các tỉnh cần đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của mỗi tỉnh để tạo ra sản phẩm liên tuyến mang nét đặc trưng của vùng. Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh phát triển du lịch kết hợp với hội thảo (MICE), du lịch mua sắm...; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế về du lịch biển đảo; tỉnh Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá; các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương có thế mạnh du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái văn hóa, cộng đồng…

Tây Ninh đang thu hút khá nhiều du khách với điểm đến là núi Bà Đen.

Tây Ninh đang thu hút khá nhiều du khách với điểm đến là núi Bà Đen.

Trong khi đó, ông Đặng Mạnh Phước, CEO Công ty nghiên cứu thị trường The Outbox Company cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ có những cơ sở để phát triển du lịch cao cấp. Đầu tiên, tổng lượng khách đến Đông Nam Bộ năm 2022 cao xấp xỉ vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc. Phần lớn, khách đến có thu nhập từ 15 - 45 triệu đồng/hộ/tháng là nhóm trung lưu, sẵn sàng chi tiêu cao. Ngoài ra, hơn 60% du khách Việt Nam có xu hướng chi tiêu cho du lịch nhiều hơn so với trước COVID-19 và các cùng Đông Nam Bộ luôn giữ vị trí top dẫn đầu các điểm đến được ưu tiên lựa chọn bởi khách du lịch Việt Nam.

“Vì vậy, vùng Đông Nam bộ cần thu hút các dự án du lịch cao cấp từ các thương hiệu uy tín, phải cải thiện hạ tầng giao thông kết nối TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng để phát triển dòng sản phẩm du lịch cao cấp. Các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ cũng phải thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, địa phương và cơ quan chức năng như xây dựng các gói tour kết hợp, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tổ chức các sự kiện du lịch chung để thu hút du khách, trong đó ưu tiên là phải quản lý tốt sức chứa điểm đến. Nếu không đảm bảo yếu tố này thì khó đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, bền vững. Các tỉnh cũng cần sớm nâng cao số lượng cơ sở lưu trú 4 - 5 sao trên địa bàn để phục vụ dòng khách cao cấp với mức chi tiêu cao...", ông Đặng Mạnh Phước đề xuất.

Quảng bá thương hiệu du lịch của vùng

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Vietluxtour cho biết, thời gian qua các sản phẩm chủ yếu xoay quanh hai trung tâm chính là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Gần đây, Tây Ninh nổi lên như là điểm đến ưa thích của không chỉ du khách thành phố mà còn hút được du khách từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những tour liên tuyến dài ngày không nhiều vì khách chủ yếu quay về TP Hồ Chí Minh và nghỉ đêm ở đây do dịch vụ giải trí về đêm phong phú hơn. Do đó, đã đến lúc các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ phải thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, địa phương và cơ quan chức năng trong việc xây dựng các gói tour kết hợp, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tổ chức các sự kiện du lịch chung để thu hút du khách lưu trú dài ngày hơn.

Du khách trải nghiệm ẩm thực đặc trưng tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Du khách trải nghiệm ẩm thực đặc trưng tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh luôn xác định việc hợp tác, liên kết du lịch với TP Hồ Chí Minh không những đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương mà còn hỗ trợ, bổ sung sản phẩm du lịch cho nhau, tạo ra các chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh. Việc liên kết còn thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, khu vực, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần và người dân có thu nhập cao như vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, để thu hút du khách TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Đông Nam bộ nói chung bằng sản phẩm du lịch cao cấp, hiện nay Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung nhiều dự án đẳng cấp quốc tế để thu hút dòng khách này, đồng thời tạo ra các cụm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tập trung, đặc biệt là phát triển dự án kinh tế đêm. Về loại hình du lịch sinh thái, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều mảng xanh để phát triển nhưng thực tế, toàn tỉnh đang có đến 69 dự án du lịch có liên quan đến rừng nên chưa thể triển khai vì vướng các luật hiện hữu.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, để thu hút dòng khách cao cấp, các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần xây dựng những chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu từ du lịch để có mục tiêu thực hiện trong những năm tiếp theo, đồng thời nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị hiếu của khách. Các tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp “6 địa phương – 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, các tỉnh cũng cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nhân sự tại các điểm du lịch và khách sạn cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch… để giữ chân du khách. Về lâu dài, Cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục đồng hành với các tỉnh Đông Nam Bộ, các doanh nghiệp để phát triển du lịch một cách trọng tâm, trọng điểm với phương châm cho ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, điểm đến an toàn, văn minh thân thiện…

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh với tổng diện tích tự nhiên hơn 23.500 km2, chiếm 7 % diện tích cả nước. Dân số toàn vùng gần 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Vùng Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, chiếm 42% GDP của cả nước. Trong giai đoạn 2020 – 2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,53 triệu lượt khách với doanh thu 260.160 tỷ đồng. Trong đó, có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng đó, ngành du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là niềm tự hào của vùng Đông Nam Bộ

Bài cuối: Xây dựng du lịch hệ sinh thái xanh tại miền Trung

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/tp-ho-chi-minh-gia-tang-hieu-qua-lien-ket-du-lich-bai-4-phat-trien-dong-khach-cao-cap-20230929071715113.htm