TP. Hồ Chí Minh: Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Sáng ngày 3/3, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3 năm 2023. Tại cuộc họp này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp kiến nghị từ các cuộc gặp gỡ, đối thoại gần đây.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Gia Cư

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Gia Cư

Sản xuất công nghiệp có tín hiệu tích cực

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt hơn 85.800 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung giảm so với tháng 1 nhưng vẫn có mức tăng so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 176.340 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.

Chỉ số IIP tháng 2 ước tính tăng hơn 12% so với tháng trước và tăng gần 13% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố 2 tháng đầu năm 2023 giảm 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 12,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,5%.

Chỉ số IIP trong 2 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ năm truớc. Trong đó, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng hơn 25%, ngành hóa dược tăng gần 22%; ngành cơ khí giảm hơn 10%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm gần 17%.

Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, chỉ số IIP trong tháng 2 năm nay tăng so với tháng 1 là 12% và tăng so với cùng kỳ năm trước là trên 10%.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá, sản xuất công nghiệp đang có tín hiệu tích cực và gia tăng trong những tháng tới. Ngoài ra, khó khăn nhất của ngành may mặc, gỗ, da giày đã qua nhưng đơn hàng đã giảm đến 50%. Đối với chương trình kích cầu mà doanh nghiệp quan tâm, ông cho biết hiện sở đang xin ý kiến của UBND thành phố về vấn đề này.

“Sở Công thương xác định, đây là giai đoạn mà phải làm nhiều hơn để tiếp tục duy trì trong khối bán buôn, bán lẻ. Trong tổng thể thương mại dịch vụ chúng ta khó khăn nhưng TP. Hồ Chí Minh có tăng. Sức mua có chững lại ở một số đối tượng. Doanh nghiệp trong nước đang tận dụng khai thác thị trường nội địa”- ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

Nhìn nhận các vấn đề kinh tế một cách tổng thể, Tiến sĩ Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế cũng nêu thực tế, doanh nghiệp bất động sản đang chờ đợi động thái của Chính phủ. Theo ông, cần tập trung đánh giá rõ 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ mà có đóng góp tăng trưởng cao nhất cho thành phố. Theo đó, ngành dịch vụ cần đánh giá 5 nhóm: Thương mại, thị trường tài chính, bất động sản, du lịch và logictics.

Tập trung gỡ khó cho các doanh nghiệp

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đánh giá, 2 tháng đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực trong giải ngân đầu tư công, tập trung ở 8 dự án. Lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận việc tổ chức lễ hội Việt - Nhật thu hút một lượng du khách lớn trên 500 nghìn người đến TP. Hồ Chí Minh, từ đó cho thấy các hoạt động lớn của thành phố cần gắn với du lịch để tạo tính lan tỏa và có tác động tích cực đến du lịch, dịch vụ...

TS.Trần Du Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Gia Cư

TS.Trần Du Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Gia Cư

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 3, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh 6 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp kiến nghị từ các cuộc gặp gỡ và trong tháng 3 này phải giải quyết dứt điểm. Đặc biệt đối với nhóm ngành bất động sản, giải quyết vướng mắc để tạo niềm tin cho thị trường như các vướng mắc liên quan đến thủ tục để các doanh nghiệp thuê đất lại; sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước...

Từ hội nghị kết nối doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu trong tháng 3 này, tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo các sở ngành với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ để lắng nghe và tháo gỡ các vướng mắc, gỡ khó cho 4 nhóm ngành công nghiệp dịch vụ, tập trung vào những ngành có đóng góp lớn cho GRDP của thành phố.

Việc tập trung giải quyết ách tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, hỗ trợ người lao động mất việc, tìm việc, lãnh đạo thành phố cho đây là vấn đề rất quan trọng, cần nhìn thấy đủ và giải quyết tốt vấn đề này. Ông Phan Văn Mãi đề nghị giới thiệu việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh phải đo bằng phúc lợi xã hội chứ không chỉ là vấn đề kinh tế.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-giai-quyet-dut-diem-kho-khan-vuong-mac-cho-doanh-nghiep-122776.html