TP. Hồ Chí Minh: Gỡ nút thắt phát triển hơn 199.000 căn nhà ở xã hội
TP. Hồ Chí Minh đang tập trung tháo gỡ thủ tục, đất đai, vốn và chính sách để phát triển hơn 199.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển hơn 199.000 căn NOXH đến năm 2030.
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, phát triển nhà ở xã hội (NOXH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021–2030 của thành phố. Việc đặt mục tiêu xây dựng hơn 199.000 căn NOXH nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở bức thiết cho công nhân, người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách đang sinh sống, làm việc tại đô thị lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ phát triển NOXH chưa đạt kỳ vọng. Trong đó, nổi cộm là các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, quy hoạch sử dụng đất, định giá sản phẩm và xác định đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ tài chính hiện hành chưa đủ sức hấp dẫn để khuyến khích nhà đầu tư tham gia, còn việc bố trí quỹ đất tại nhiều khu vực lại thiếu chủ động, gây khó khăn cho công tác lập dự án.
Trước tình hình này, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng lộ trình hành động rõ ràng với 9 nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm 2025 nhằm gỡ bỏ rào cản và tạo đà tăng tốc cho mục tiêu phát triển NOXH.
Trước hết, thành phố sẽ tích hợp chỉ tiêu phát triển NOXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội cấp thành phố, xem đây là tiêu chí bắt buộc để các cấp chính quyền theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo sát sao. Song song đó là quá trình rà soát tổng thể quy hoạch các khu chức năng, dự báo quy mô dân số trong tương lai và xác định cụ thể nhu cầu về NOXH đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, từ đó làm cơ sở bố trí quỹ đất một cách hợp lý và lâu dài.
Thành phố cũng đang trong quá trình xây dựng Nghị quyết chuyên đề của HĐND quy định cơ chế hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai dự án NOXH từ nguồn ngân sách địa phương, phù hợp với Luật Nhà ở năm 2023. Để tháo gỡ về quy trình thực hiện, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai việc giao chủ đầu tư dự án theo tinh thần Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 192/2025/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định, minh bạch và tránh ách tắc thủ tục như trước đây.
Trong nỗ lực bảo đảm nguồn vốn dài hạn, thành phố sẽ kiện toàn Quỹ Phát triển nhà ở, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi cho các nhóm đối tượng có nhu cầu thực, nhất là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang sinh sống tại đô thị.
Một giải pháp quan trọng khác là việc hoàn thiện và công bố thiết kế mẫu, thiết kế điển hình công trình NOXH. Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian lập và thẩm định hồ sơ pháp lý đầu tư, mà còn tăng tính đồng bộ, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư. Đối với những khó khăn đã được xác định tại Nghị quyết 201/2025/QH15 như lựa chọn chủ đầu tư, đấu thầu dự án, thủ tục xây dựng, định giá bán – thuê mua…, TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên xử lý trước, đồng thời thiết lập cơ chế phản hồi nhanh giữa các sở, ngành với nhà đầu tư để tránh tình trạng chờ đợi kéo dài.
Ngoài ra, thành phố sẽ chủ động làm việc trực tiếp với từng chủ đầu tư nhằm rà soát tiến độ, đôn đốc triển khai, tháo gỡ vướng mắc và hướng dẫn cụ thể các quy định pháp luật có liên quan. Đặc biệt, sẽ yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ phát triển NOXH trên phần quỹ đất 20% theo đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2023, phấn đấu khởi công ngay trong năm 2025 để tạo hiệu ứng lan tỏa cho các giai đoạn tiếp theo.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện chính sách cũng sẽ được tăng cường, bảo đảm việc triển khai diễn ra đồng bộ, tránh chồng chéo và phát sinh điểm nghẽn mới.
Song song với các nỗ lực tại địa phương, TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhiều đề xuất đáng chú ý nhằm vận hành hiệu quả Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia – một công cụ tài chính đang được Quốc hội và Chính phủ xem xét thành lập để hỗ trợ chiến lược phát triển NOXH toàn quốc.
Theo đề xuất, Quỹ này cần được trao quyền đầu tư trực tiếp các dự án NOXH đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội tại các đô thị lớn; đầu tư sửa chữa, cải tạo nhà ở thuộc tài sản công khi được chuyển đổi công năng đúng quy định; trực tiếp mua lại NOXH từ các chủ đầu tư dự án để cho thuê theo cơ chế đặt hàng hoặc thỏa thuận mua; đồng thời có thể mua nhà ở thương mại trên thị trường để cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê theo cơ chế hỗ trợ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Việc thành lập và vận hành hiệu quả Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia không chỉ tạo nguồn lực bền vững cho chính sách NOXH ở các địa phương, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu lớn về an sinh xã hội, phát triển đô thị bền vững và bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở cho người dân theo đúng tinh thần Hiến pháp.