TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư

Năm qua, ITPC đã tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai tổng cộng 195 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư năm 2024 và Triển khai nhiệm vụ xúc tiến thương mại, đầu tư năm 2025 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức chiều tối ngày 6/1/2015, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết, năm 2024 được xem là thời điểm tăng tốc, bứt phá của thành phố, góp phần hoàn thành Kế hoạch 5 năm (2021-2025), trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, ITPC đã tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai tổng cộng 195 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tăng 35,42% so với năm 2023; trong đó có 82 chương trình xúc tiến thương mại trong nước (tăng 13,89%), 23 chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài (tăng 76,92%) và 51 chương trình xúc tiến đầu tư (tăng gấp 2,04 lần), góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư và thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng.

Với quy mô và hiệu quả nâng lên rõ rệt, ITPC đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư như: Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HCMC FOODEX 2024); Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh thành phố (GRECO 2024) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5; hoạt động phối hợp cùng các sở ngành tổ chức sự kiện thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài (tiêu biểu là Ngày TP. Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản)…

Năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt khi vừa là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, vừa là thời điểm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đồng thời cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kiên định với mục tiêu duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư. Theo đó, ITPC sẽ đặt ra các mục tiêu và giải pháp trọng tâm nhằm góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, huy động tối đa nguồn lực, đẩy mạnh mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và tiềm năng mới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa ổn định, hướng đến tỷ lệ tăng hai con số, là cơ hội để khai thác hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP hay UKVFTA.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư ưu tiên thu hút các dự án thuộc ngành, lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít thâm dụng lao động và phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn của thành phố. Phương thức xúc tiến sẽ được mở rộng và đa dạng hóa, kết nối chặt chẽ hơn với xúc tiến thương mại và du lịch nhằm tận dụng tốt hơn những cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược truyền thống cũng như các thị trường mới nổi.

Công tác xúc tiến tại chỗ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, khuyến khích các dự án đầu tư mở rộng quy mô hoặc tái đầu tư, nhất là với những nhà đầu tư lớn và các tập đoàn đa quốc gia đã có dự án thành công tại Việt Nam. Hoạt động liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong vùng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển vùng kinh tế động lực và liên kết chuỗi cung ứng nội địa.

Để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, ITPC sẽ đẩy mạnh chức năng là đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn các thủ tục hành chính về đầu tư nhằm rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp FDI cũng được quan tâm đặc biệt thông qua Tổ Công tác 774, hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là đối thoại chuyên đề, tiếp tục được tổ chức thường xuyên, áp dụng nhiều kênh tiếp nhận phản ánh trực tuyến. Toàn bộ quá trình sẽ được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận được phản hồi kịp thời và dứt điểm.

Bên cạnh việc thúc đẩy các dự án đầu tư vào hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố tập trung phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến liên vùng, đường vành đai, phương tiện công cộng khối lượng lớn, hạ tầng đô thị và các dự án giải quyết ngập nước, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, phát triển mảng xanh và hồ điều tiết.

Phát triển hạ tầng kinh tế số được xem là trụ cột quan trọng, trong đó đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai công nghệ 5G, xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, các công viên khoa học và công nghệ, từng bước hình thành nền tảng kinh tế số đồng bộ. Các khu đô thị mới Thủ Thiêm, Nam thành phố, Tây Bắc, Bình Quới - Thanh Đa và Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông cũng được định hướng kêu gọi đầu tư để trở thành những trung tâm hiện đại, đáng sống, thu hút đông đảo cộng đồng tri thức, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Công tác thông tin, truyền thông và quảng bá được chú trọng nhằm cung cấp dữ liệu thị trường, ngành hàng và đối tác, nhất là thông tin dự báo về nhu cầu và giá cả hàng hóa. Cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư (MIS) do ITPC lập ra tiếp tục là kênh cập nhật thường xuyên các ấn phẩm và bản tin xúc tiến thương mại - đầu tư, kết hợp với chương trình truyền hình, phát thanh và báo chí để lan tỏa thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận.

ITPC cũng phát huy vai trò chủ đạo trong việc hoàn thiện Hệ sinh thái xúc tiến thương mại và đầu tư số của thành phố, bao gồm nền tảng kết nối giao thương trực tuyến, sàn B2B, hội chợ và triển lãm ảo, đồng thời phát triển các chương trình đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử, kỹ năng kinh doanh quốc tế, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh.

Năm 2025, ITPC tiếp tục tập trung đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) TP. Hồ Chí Minh, dựa trên cơ sở khảo sát mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện chất lượng phục vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Bên cạnh đó, công tác tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh lần 4 - Lĩnh vực Phát triển Kinh tế cũng được ITPC phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện, tạo động lực thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và mô hình đột phá đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Với vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng cộng đồng doanh nghiệp, ITPC cam kết tiếp tục nỗ lực phối hợp các cơ quan ngoại giao, tổ chức xúc tiến, hiệp hội, cũng như đồng hành bền bỉ với doanh nghiệp để các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư năm 2025 đạt kết quả cao nhất, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho TP. Hồ Chí Minh.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-ho-tro-doanh-nghiep-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-thuc-day-xuat-khau-va-thu-hut-dau-tu-159637.html