TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu kinh tế tăng trưởng hai con số

Để kinh tế tăng trưởng hai con số, bên cạnh chú trọng mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, đổi mới sáng tạo, theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh cần nâng cao trình độ quản lý cho doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu các khu công nghiệp, liên tục tìm kiếm các động lực kinh tế mới…

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh mới từ nguồn lực hiện có

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, TP. Hồ Chí Minh nên chia thành hai giai đoạn: giai đoạn tăng trưởng đạt 8% và tiếp tục các giải pháp để tăng trưởng thêm 2%. Để đạt tăng trưởng 8%, bên cạnh tiếp tục các giải pháp tăng trưởng đã đề ra, thành phố cần đặt mục tiêu thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài khoảng 500 nghìn tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu kinh tế năm 2025 tăng trưởng hai con số. Ảnh: Đỗ Doãn

TP. Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu kinh tế năm 2025 tăng trưởng hai con số. Ảnh: Đỗ Doãn

Tuy nhiên, muốn thu hút thì đất đai phải có giá cả hợp lý, phải giải quyết nhanh các khu công nghiệp để có đất sạch, giá cả hợp lý... Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay đang rất ách tắc, tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng kinh tế xã hội.

Ông Ngân phân tích, với 2% tăng trưởng thêm, TP. Hồ Chí Minh có thể khai thác từ các động lực mới như trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại địa bàn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cùng với khu thương mại tự do, khu đô thị lấn biển; Bên cạnh đó là các động lực về đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực văn hóa, du lịch... Với những động lực này, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể tăng trưởng hai con số nếu khai thác hiệu quả.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 220 nghìn doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang có những kế hoạch chưa thực hiện. Nếu thành phố không hỗ trợ, các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển như kỳ vọng. Do vậy, cần phải khảo sát, hiểu thấu nhu cầu của doanh nghiệp và tạo ra sự cộng hưởng để thúc đẩy năng lực của thành phố.

Trong khi đó, theo GS.TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, với hai vấn đề quan trọng cần chú trọng. Đó là nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp và nguồn lực giúp các doanh nghiệp bán được sản phẩm với giá tốt hơn, xuất khẩu với chất lượng và ổn định cao hơn.

Còn theo Ths Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, một trong những bài toán lớn nhất đối với TP. Hồ Chí Minh là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong dài hạn. Muốn vậy, điều quan trọng là phải thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh mới, thu hút đầu tư, đặc biệt là vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển, bởi nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp hiện hữu tăng trưởng theo cách tự nhiên thì sẽ rất khó đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng.

3 kế hoạch cho các kịch bản tăng trưởng

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết địa phương hiện đã xây dựng các kịch bản với 3 kế hoạch nhánh để kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng hai con số. Đó là huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025, tập trung vào động lực tăng trưởng từ đầu tư; tháo gỡ vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang; cải thiện môi trường đầu tư và công tác điều hành.

Theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành chuyển đổi 5 khu công nghiệp vào năm 2030. Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành chuyển đổi 5 khu công nghiệp vào năm 2030. Ảnh minh họa.

Theo đó, lãnh đạo thành phố cũng đã làm việc với các cơ quan đầu mối, bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để xác định nguồn vốn cho năm nay; đồng thời tập trung giải ngân đúng tiến độ, đảm bảo không có tình trạng đội vốn hoặc chậm giải ngân.

Trong năm nay, TP. Hồ Chí Minh dự kiến giải quyết khó khăn về đất khu công nghiệp, huy động 139 ha đất đầu tư công, với tổng vốn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đặt mục tiêu đạt 90.000 tỷ đồng, ưu tiên các dự án có thể giải ngân ngay, trong đó có dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Thành phố cũng sẽ đánh giá tình hình của 200 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tình trạng doanh nghiệp giải thể; làm việc với các ngành liên quan đến thương mại điện tử để vừa khuyến khích phát triển, vừa đảm bảo quản lý nguồn thu và cạnh tranh lành mạnh với các mô hình thương mại truyền thống.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, thành phố đã xác định 5 khu công nghiệp cần chuyển đổi ngay trong năm, đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2030, thay vì chờ đến năm 2045; đã công bố quy hoạch TP. Hồ Chí Minh và quy hoạch TP Thủ Đức và đã giao nhiệm vụ cho các ngành đang tham mưu, mời tư vấn uy tín quốc tế giúp TP. Hồ Chí Minh làm quy hoạch không gian ngầm, gắn với phát triển đô thị mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).

Về giao thông, thành phố sẽ khởi công dự án Vành đai 2 trong năm, cuối năm cơ bản hoàn thành Vành đai 3 và cố gắng khởi công Vành đai 4 và làm các cao tốc kết nối. Riêng tuyến đường thủy và đường ven biển nối đồng bằng sông Cửu Long, TP. TP. Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Thủ tướng giao địa phương mời tư vấn nghiên cứu mô hình đường ven biển của Hà Lan, nếu làm được sẽ mở ra không gian rất lớn cho cả vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng các cơ chế về đường sắt đô thị, với đề xuất Trung ương cho phép thực hiện theo hướng ''chìa khóa trao tay'' để triển khai nhanh, trong đó ưu tiên làm sớm 3 tuyến trước năm 2030 gồm tuyến từ trung tâm thành phố đến sân bay Long Thành, tuyến từ trung tâm đến Cần Giờ và tuyến kết nối với TP Cần Thơ.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-huong-den-muc-tieu-kinh-te-tang-truong-hai-con-so-170343.html