TP Hồ Chí Minh hướng tới xử lý 90% rác thải bằng công nghệ tiên tiến
Thành phố Hồ Chí Minh vừa bổ sung quy hoạch phát triển điện rác trên địa bàn sau hợp nhất tỉnh, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, trong đó có ít nhất 90% phải được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, giảm tối đa chôn lấp.

Thu gom rác thải sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Phạm
Ngày 23-7, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, sau sáp nhập các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh hiện mỗi ngày phát sinh trung bình khoảng 14.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khu vực thành phố Hồ Chí Minh cũ khoảng 10.500 tấn, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ chiếm lần lượt 2.400 tấn và 1.100 tấn.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 40% lượng rác này được xử lý bằng các phương pháp công nghệ như đốt, sản xuất phân compost hoặc tái chế; phần lớn còn lại vẫn được chôn lấp truyền thống. Điều này vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa đặt ra nguy cơ ô nhiễm lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, nguồn nước và chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về quy định pháp lý và thiếu đồng bộ giữa các địa phương sau sáp nhập.
Cụ thể, việc chưa có định mức kinh tế kỹ thuật rõ ràng và quy định cụ thể về chi phí dịch vụ vệ sinh môi trường đang gây cản trở trong thẩm định, phê duyệt phương án giá và triển khai thực hiện. Trong khi, mô hình quản lý công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt giữa 3 địa phương trước sáp nhập cũng khác nhau.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh thu gom rác thải đưa về xử lý. Ảnh: CITENCO
Trước thực trạng trên, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh thực hiện các giải pháp xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, giảm tối đa hình thức chôn lấp.
Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu sau 2025 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 50%, từng bước tiến tới mô hình quản lý chất thải bền vững, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đến năm 2030, đặt mục tiêu sẽ xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, trong đó có ít nhất 90% phải được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, giảm tối đa hình thức chôn lấp.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường đô thị, đây là bước đi cần thiết trong tiến trình hướng đến mô hình đô thị sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông Lê Công Phương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh, để hiện thực hóa mục tiêu này, trước tiên thành phố cần gỡ bỏ những rào cản về thể chế và vận hành sau sáp nhập, cần thiết phải có cơ chế điều chỉnh thống nhất.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang xúc tiến hai dự án đầu tư lò đốt rác tại xã Thạnh An và An Thới Đông (thuộc huyện Cần Giờ cũ). Trong đó, lò đốt quy mô 5 tấn/ngày tại Thạnh An đã được UBND thành phố thông qua chủ trương đầu tư, kỳ vọng là mô hình điểm cho chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại khu vực đặc thù, góp phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi mô hình xử lý chất thải của thành phố.
Cùng với đó, thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng 3 nhà máy đốt rác phát điện, gồm: Tâm Sinh Nghĩa (giai đoạn 1) có công suất 2.000 - 2.600 tấn/ngày và VietStar có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi cũ); BIWASE công suất 24MW (tỉnh Bình Dương cũ).
Đồng thời, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng dự án nhà máy đốt rác phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung phường Tóc Tiên và dự án nhà máy đốt rác ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ), đều được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đề ra của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai các nhà máy điện rác là một phần trong chiến lược tổng thể về môi trường tại thành phố, kết hợp các giải pháp như chuyển đổi toàn bộ công nghệ xử lý rác thải sang đốt phát điện vào năm 2030; tái chế rác hữu cơ thành phân bón, nhiên liệu sinh học; kiểm soát ô nhiễm nước, không khí...

Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa. Ảnh: Bamboo Capital
Liên quan đến công tác xử lý rác thải, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Minh Thạnh yêu cầu các xã, phường và đặc khu khẩn trương tăng cường quản lý các khu xử lý rác hiện hữu, đồng thời phối hợp với các sở, ngành xây dựng cơ chế đặt hàng dịch vụ xử lý theo hướng công nghệ cao.
Mặt khác, Thành phố đẩy nhanh tiến độ cải tạo, phục hồi các bãi chôn lấp sau khi ngưng tiếp nhận chất thải, nhằm tái lập mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển đô thị; sớm ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế tài chính phù hợp với mô hình hành chính mới để thống nhất áp dụng trên địa bàn thành phố.