TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến người dân về Luật Đất đai sửa đổi 2013
Theo người dân TP Hồ Chí Minh, Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) cần sát hơn với biến đổi của thực tiễn nền kinh tế - xã hội đất nước, địa phương, nhất là thống nhất quy định giữa các luật với nhau, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo như thời gian qua.
Sáng 15/2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo… về Dự thảo Luật Đất đai nằm 2013 (sửa đổi).
Nội dung đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai tập trung vào các vấn đề như: quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai, giá đất; chế độ sử dụng các loại đất...
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết, Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng và các quy định Hiến pháp năm 2013 về đất đai, tạo hành lang pháp lý trong công tác tổ chức, quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, qua thực hiện các quy định của Luật Đất đai gần 10 năm, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai rất quan trọng và phú hợp với sự phát triển của tình hình kinh tế xã hội.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ nhất vào Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi). Với mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Ngoài ra, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị và được Ban Thường trực xác định là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp.
Góp ý vào việc lấy ý kiến rộng rãi ý kiến của người dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận Tân Bình cho biết, hiện nay công tác đền bù và tái định cư, giải phóng mặt bằng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn cho việc người dân khi tái định cư, kéo theo đó là ảnh hưởng đến việc làm, việc đi học... Do đó, cần quy định về tái định cư chỗ ở cụ thể cho người dân khi giải phóng mặt bằng, như vậy người dân mới có thể ổn định. Ngoài ra, giá bồi thường đất đai khi thu hồi phải phù hợp với thực tế. Trước đây, bảng giá bồi thường giải phóng mặt bằng rất thấp nên khi bồi thường, hầu như rất khó để tạo được sự đồng thuận của người dân.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có vai trò hết sức quan trọng để đưa các quy định của luật sát hơn với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên cả nước. Qua kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên - Môi trường tại 112 luật, bộ luật (có quan hệ với Luật Đất đai) cho thấy, 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với luật hiện hành nhưng cũng chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở…
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đã nêu 7 nhóm nội dung góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: cần tăng tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định trong Luật Đất đai và Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản để khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật. Mặt khác, cần phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương được thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát quá trình thực hiện Luật Đất đai, kịp thời khắc phục các ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai.
Còn theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, dự thảo luật lần này cần thể chế hóa các quy định với tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”. Với những người dân khi nhường đất để Nhà nước thực hiện các dự án, họ mong muốn đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, trong các quy định của Luật cũng phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ việc thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.