TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch kiểm soát khí thải phương tiện
Dự kiến trong tháng 7 này, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình UBND thành phố đề án chương trình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng...

Cảnh ùn tắc giao thông thường thấy trong giờ cao điểm tại các tuyến đường nội đô thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Phạm
Ngày 14-7, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở vừa có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao tại các khu vực đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm khí thải.
Ngoài việc phân vùng phát thải, để xanh hóa giao thông, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện. Thành phố dự kiến sẽ lựa chọn các khu vực như Cần Giờ, Côn Đảo và trung tâm thành phố để triển khai thí điểm việc khoanh vùng kiểm soát khí thải. Những khu vực này được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc chuyển đổi sang hệ thống giao thông sạch.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2028 sẽ chuyển đổi toàn bộ khoảng 400.000 xe gắn máy đang được sử dụng bởi tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện, nhằm giúp giảm khoảng 315 tấn khí CO2 và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm, góp phần đáng kể vào nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng sống cho người dân thành phố.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu xây dựng đề án cũng đề xuất thành lập quỹ tín dụng chuyển đổi xanh, sử dụng nguồn thu từ tín chỉ carbon (ước tính khoảng 87.500 tấn CO2/năm) để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông xanh và hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm tài xế công nghệ trong quá trình chuyển đổi phương tiện.
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến trình trong quý 3, tập trung vào chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ô tô khách và xe thuộc cơ quan công, doanh nghiệp. Đề án cũng dự kiến đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe điện... nhằm kiểm soát khí thải đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao. Ảnh: H.Phạm
Dự kiến trong tháng 7 này, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình UBND thành phố đề án chương trình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng. Sau đó, thành phố sẽ thẩm định và gửi kiến nghị đến Trung ương.
Sau khi có phản hồi, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể, dự kiến bắt đầu áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích vào đầu năm 2026. Dự kiến trong 2 năm có thể cơ bản chuyển đổi được trên 80% tài xế công nghệ và giao hàng xe máy xăng sang xe điện.
Giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục có những biện pháp quyết liệt để hạn chế xe xăng và có lộ trình cấm hẳn xe xăng tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và giao hàng.
Theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách thành phố Hồ Chí Minh, thành phố là một "siêu đô thị" với lượng phát thải lớn, chủ yếu đến từ hoạt động giao thông. Vì vậy, việc thành phố chủ động chuyển đổi phương tiện của nhóm tài xế công nghệ và giao hàng là bước đi đúng đắn nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Cũng theo góp ý của ông Lê Trung Tính, thành phố cũng cần quan tâm đến lực lượng tài xế tự do. Đây là nhóm đông đảo và có nhu cầu sử dụng xe thường xuyên, nên cần có chính sách hỗ trợ riêng, đơn cử như chương trình mua lại xe máy cũ hoặc hỗ trợ đổi xe điện với sự tham gia của nhà nước và doanh nghiệp.
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, bao gồm hơn 1 triệu xe ô tô và gần 8,6 triệu xe gắn máy. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng ô tô tăng 9% và xe máy tăng 2%, cho thấy xu hướng gia tăng phương tiện cá nhân tiếp tục tạo áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị.
Điều đáng nói, đó là chưa kể số lượng xe cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), sau khi đã được sáp nhập vào thành phố Hồ Chí Minh.