Trung Quốc đưa xe điện thay thế xe xăng thế nào?
Dẫn đầu cuộc chuyển đổi sang xe điện, Trung Quốc gặt hái nhiều thành tựu và mang đến bài học quý cho những quốc gia khác.
Vào năm 2024, quy mô thị trường xe đạp điện Trung Quốc được định giá 17,78 tỷ USD. Tập đoàn IMARC cũng dự báo thị trường sẽ đạt 28,35 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,06% từ năm 2025 - 2033.
Thị trường xe điện Trung Quốc được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa cùng nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ, chi phí nhiên liệu tăng và vấn đề môi trường. Những tiến bộ trong công nghệ pin, thu nhập khả dụng tăng và nhu cầu về phương tiện di chuyển tiết kiệm chi phí cũng trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho xe điện.
Phát triển theo lộ trình
Dù khái niệm về phương tiện năng lượng mới (NEV) xuất hiện tại Trung Quốc từ những năm 1980, nhưng phải đến năm 2009 chương trình này mới chính thức được đưa vào chính sách quốc gia.
Trước đó, năm 2001, NEV được tích hợp vào “Chương trình 863” - sáng kiến quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực. Trọng tâm là phát triển các hệ thống điều khiển truyền động, động cơ điện và pin - nền tảng cho các dòng xe sử dụng pin nhiên liệu, xe lai (hybrid) và xe điện.
Bốn thành phố được chọn làm nơi thí điểm triển khai NEV, mở đường cho việc mở rộng quy mô. Đến năm 2007, chương trình được đẩy mạnh và hướng tới sản xuất hàng loạt, đánh dấu bằng sự xuất hiện của khoảng 500 phương tiện NEV trong nước tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008.
Từ năm 2009 đến 2017, chính phủ Trung Quốc tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng NEV thông qua các khoản trợ cấp và chương trình thí điểm. Bước ngoặt diễn ra vào năm 2017 khi Bắc Kinh áp dụng cơ chế tín dụng bắt buộc đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô, yêu cầu họ tích lũy số điểm NEV tăng dần từ năm 2018 trở đi thông qua sản xuất hoặc mua bán tín dụng.
Song song với đó, các tiêu chí để được hưởng trợ cấp và tín dụng cũng ngày càng siết chặt nhằm khuyến khích đổi mới công nghệ. Trợ cấp theo xe được cắt giảm theo từng năm và dừng hoàn toàn vào cuối năm 2022.

Biểu đồ dự báo thị trường xe đạp điện Trung Quốc đến năm 2033.
Đáng chú ý, vào năm 2021, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về lượng khí thải carbon, đóng góp khoảng 33% tổng phát thải toàn cầu. Riêng lĩnh vực giao thông vận tải chiếm xấp xỉ 10% con số này. Trước thách thức đó, Bắc Kinh triển khai hàng loạt chính sách chuyển đổi năng lượng, đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải trước năm 2030.
Một số nghiên cứu mới công bố cho thấy, tham vọng này có thể hoàn thành sớm hơn dự kiến, khi chương trình khuyến khích phương tiện xanh được đẩy mạnh, hướng tới việc xe điện chiếm khoảng 40% tổng số phương tiện lưu thông trong tương lai gần.
Vai trò của chính phủ
Khi Kenzi - nhân viên quảng cáo ở Thượng Hải quyết định mua xe điện thay vì xe xăng và lúc đầu cô không nghĩ đến điều này có lợi ích cho môi trường. Kenzi cho rằng nếu mua một chiếc xe điện, cô có thể tránh được thời gian chờ đợi dài và chi phí xin biển số.
“Không dễ để có được biển số xe ở Thượng Hải, nhưng bạn sẽ được cấp biển số miễn phí khi mua chiếc xe điện. Quốc gia chúng tôi có mục tiêu doanh số bán xe điện hàng năm, nhưng thành thật mà nói, người tiêu dùng không mấy quan tâm đến việc bảo vệ môi trường”, Kenzi nói.
Chiếc xe mới đã đưa Kenzi vào cộng đồng người sở hữu xe điện ngày càng đông đảo tại Trung Quốc. Báo cáo năm 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy, hơn một nửa số xe điện trên thế giới đang được sử dụng trên đường ở Trung Quốc.
Sản xuất và tiêu thụ xe điện (EV) của Trung Quốc là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất trên thị trường toàn cầu. Từ năm 2021 - 2022, doanh số bán xe điện tại Trung Quốc tăng từ 1,3 triệu lên 6,8 triệu - chiếm hơn 1/3 doanh số bán xe điện toàn cầu trong năm 2022.
Chính quyền Trung Quốc đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và nhiều báo cáo gần đây cho thấy, họ có thể đạt mục tiêu này sớm hơn nhờ kế hoạch đưa xe điện chiếm 40% tổng số ô tô lưu thông vào cùng thời điểm.

Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh sử dụng xe điện từ năm 2001.
Tính đến tháng 6/2022, Trung Quốc có 312 triệu phương tiện dân dụng, trong đó xe điện chạy bằng pin chiếm khoảng 3,2%. Xe điện phổ biến nhất tại quốc gia này là Tesla, nhưng thương hiệu nội địa BYD sắp vượt mặt Tesla để chiếm vị trí dẫn đầu.
Trung Quốc đã triển khai loạt chính sách ưu đãi tài chính nhằm thúc đẩy tiêu thụ xe điện tại các đô thị lớn. Các biện pháp bao gồm trợ giá trực tiếp, miễn thuế và cấp biển số linh hoạt, đều được áp dụng có thời hạn nhằm kích cầu tiêu dùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc phát triển mạng lưới hàng triệu trạm sạc công cộng trên toàn quốc, trong đó hơn 85% là trạm sạc nhanh, góp phần tạo thuận lợi cho việc sử dụng xe điện trên diện rộng.
Không chỉ tập trung ở thành thị, Trung Quốc còn hướng đến mở rộng thị trường xe điện tại vùng nông thôn thông qua chiến dịch “99 mẫu xe về nông thôn”. Chiến dịch này bao gồm hoạt động lái thử xe ngay tại các làng quê, đi kèm với các gói tín dụng ưu đãi và chương trình khuyến mãi trực tiếp từ nhà sản xuất nhằm khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng xe điện.
Đánh vào tâm lý người dùng
Hiện Changan là nhà sản xuất xe điện lớn thứ 8 tại Trung Quốc với nhiều phòng trưng bày tràn ngập các mẫu xe, từ xe nhỏ gọn như đồ chơi, xe thể thao hạng sang đến SUV hybrid cỡ lớn, sử dụng pin CATL và công nghệ Huawei.
Công ty Changan cũng có kế hoạch ngừng sản xuất xe động cơ đốt vào năm 2025 để tập trung hoàn toàn vào xe điện và xe hybrid. Việc tiếp thị xe điện ở Trung Quốc hiếm khi tập trung vào lợi ích môi trường.

Xe đạp điện tại đô thị/thành thị chiếm thị phần lớn nhất.
Mọi chủ xe được tờ The Guardian phỏng vấn đều nói chi phí là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của họ. Một nhân viên tài chính Rui Rui (32 tuổi, Thượng Hải) tiết kiệm được khoảng 10.650 bảng Anh, nên nếu mua xe xăng dầu sẽ không đủ tiền để đăng ký biển số.
“Hơn nữa, giá nhiên liệu đắt hơn, còn giá điện ở Trung Quốc lại rẻ hơn", anh Rui cho hay.
Lợi ích môi trường của xe điện ở Trung Quốc có thể không phải là ưu tiên hàng đầu, nhưng lại là lợi ích bổ sung cho cả người mua và chính phủ. Không thường xuyên sử dụng xe điện mà chỉ dùng vào cuối tuần để dắt chó cưng đi dạo, nhưng Kenzi vẫn nhận ra sự khác biệt.
"Xe điện có thể giảm lượng khí thải carbon. Sau khi mua một chiếc xe điện, cộng với việc ngày càng có nhiều xe điện lưu thông trên đường, lượng khí thải từ xe hơi không còn quá nghiêm trọng nữa. Mức độ ô nhiễm được cải thiện hơn rất nhiều", Kenzi nói.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-quoc-dua-xe-may-dien-thay-the-xe-xang-the-nao-ar954305.html