TP Hồ Chí Minh nâng cao các tiêu chí đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo

Ngày 16-7, kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh khóa X đã quyết nghị thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 46 triệu đồng/người/năm; tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản là 6 dịch vụ, gồm y tế; giáo dục; việc làm - bảo hiểm xã hội; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

13 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Theo nghị quyết thì giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng đến 69 triệu đồng/người/năm.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 là 15.144 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho 2 năm 2024 và 2025 gần 2.900 tỷ đồng.

THẾ TRUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tp-ho-chi-minh-nang-cao-cac-tieu-chi-danh-gia-ho-ngheo-ho-can-ngheo-785694