TP Hồ Chí Minh: nhiều bất cập trong lao động, việc làm

Vừa qua, đoàn khảo sát do ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (VHXH) HĐND TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát công tác quản lý Nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2025 tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự doanh nghiệp chây ì nộp BHXH

Theo báo cáo của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, đến nay tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc. Trong lĩnh vực tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH), ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định tăng mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở, LĐLĐ TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn giám sát các cơ quan, doanh nghiệp (DN) trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, lương cơ sở theo quy định.

Trưởng Ban VHXH HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình đề nghị Sở Xây dựng rà soát nơi nào cần NƠXH thì ưu tiên cho nơi đó.

Trưởng Ban VHXH HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình đề nghị Sở Xây dựng rà soát nơi nào cần NƠXH thì ưu tiên cho nơi đó.

Về BHXH, các cấp công đoàn đã tham gia thanh tra, kiểm tra 229 đơn vị liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH; và đã đề xuất ban hành 25 quyết định xử phạm vi phạm hành chính số tiền hơn 1,282 tỷ đồng.

LĐLĐ TP cũng đã hỗ trợ 237.927 NLĐ theo quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam với số tiền hơn 367,7 tỷ đồng; hỗ trợ bữa ăn cho 61.444 NLĐ tại 213 DN với kinh phí 61,4 tỷ đồng. Trong công tác hỗ trợ vay vốn, LĐLĐ TP đã chỉ đạo Quỹ CEP hỗ trợ vốn cho 111.613 công nhân viên chức, NLĐ số tiền 2.102 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm và chống nạn tín dụng đen trong công nhân lao động.

Ngoài những kết quả đạt được, LĐLĐ TP cũng đưa ra nhiều kiến nghị với đoàn khảo sát của HĐND TP Hồ Chí Minh. Trong đó, kiến nghị với Chính phủ có chế độ quan tâm hơn với người bị tai nạn lao động, vì hiện nay đối tượng này chỉ hưởng trợ cấp mức cao nhất 1,5 triệu đồng/tháng; kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tòa án, Công an và các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn quy trình xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những DN nợ BHXH từ 6 tháng trở lên.

2 triệu lao động không đóng BHXH bắt buộc không có báo cáo

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung-Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều bất cập, như: sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực có chất lượng thiếu trầm trọng; thiếu giám sát mức lương tối thiểu vùng, có trường hợp làm việc 10 năm nhưng nộp BHXH vẫn ở mức lương hệ số 3,33. Đối với các DN nước ngoài khi đưa lao động là người ngoại quốc vào làm việc, cần phải đăng ký tại Sở LĐXH&XH, nhưng danh sách lao động này lại không được chuyển cho BHXH để kiểm tra DN có nộp BHXH hay không.

Đại diện LĐLĐ quận Bình Tân nêu nhiều bất cập trong lao động, việc làm.

Đại diện LĐLĐ quận Bình Tân nêu nhiều bất cập trong lao động, việc làm.

Cũng theo bà Dung, số liệu điều tra dân số vào tháng 1/2023, TP có 8,9 triệu người, trong đó khoảng 5 triệu lao động. Nhưng hiện nay số liệu NLĐ tham gia đóng BHXH bắt buộc chỉ có 2.866.621 người, vậy 42% số lao động (khoảng 2 triệu lao động) còn lại không tham gia BHXH đi đâu?

Nhiều đại biểu đưa ra những nghịch lý khác: có DN giày da, may mặc lớn cần tuyển lao động trẻ nhưng không tuyển được vì lao động dạng này tay nghề không cao. Trong khi có nhiều lao động có tay nghề cao, từ DN này xin sang DN khác (cùng ngành nghề) lại không được tuyển vì không có giấy chứng nhận nghề.

Một khó khăn nữa, tại các khu công nghiệp, NLĐ có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội (NƠXH), trong khi NƠXH lại xây dựng ở những nơi chưa có nhu cầu. Do đó cần bố trí đất xây NƠXH ở những nơi cần thiết để cho NLĐ thuê giá rẻ hoặc bán để NLĐ an tâm làm việc. Ngoài ra, hiện nay một số chủ DN nước ngoài nợ lương, nợ BHXH đã bỏ về nước dẫn đến kiện cáo, do đó cần kiểm tra, giám sát và có chế tài đối với DN nước ngoài.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-nhieu-bat-cap-trong-lao-dong-viec-lam.html