TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách
3 quý đầu năm, TP. Hồ Chí Minh thu ngân sách nhà nước ước được khoảng 326.194 tỷ đồng, đạt gần 70% dự toán, nhưng giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022. Để hoàn thành nhiệm vụ thu và đảm bảo cân đối ngân sách, nhiều giải pháp đã được các cơ quan tài chính địa phương tập trung triển khai trong quý cuối năm.
Vì sao nhiều khoản thu, sắc thuế suy giảm?
Từ thực tế, dễ dàng nhận thấy khá nhiều yếu tố tác động làm giảm thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2023. Nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình xung đột Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng.
Các tác động trên đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế TP. Hồ Chí Minh phản ánh qua áp lực lạm phát cao, thị trường tài chính còn nhiều rủi ro, các chỉ số chứng khoán chưa đạt kỳ vọng, thị trường bất động sản gần như đóng băng do hoạt động giao dịch kém, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao làm doanh nghiệp trên địa bàn phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu…
Bên cạnh đó, nhằm kịp thời hỗ trợ người nộp thuế, Chính phủ đã ban hành các chính sách gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí. Các chính sách này cũng đã có những tác động nhất định tới số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tỷ lệ đạt dự toán ngân sách thấp nhất trong 2 năm
Số liệu thống kê cho thấy, số thu ngân sách trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quý I/2023 đạt 128.749,527 tỷ đồng, tăng 1,65% (so với cùng kỳ năm 2022). Quý II/2023 đạt 99.183 tỷ đồng, giảm hơn 15%. Quý III/2023 đạt 98.261 tỷ đồng, giảm hơn 5%. Tính chung 3 quý, số thu ngân sách nhà nước ước thực hiện được 326.194 tỷ đồng, đạt gần 70% dự toán và giảm trên 6%. Đây là mức đạt tỷ lệ dự toán thấp nhất trong 2 năm gần đây của TP. Hồ Chí Minh (9 tháng năm 2021 đạt trên 75%; 9 tháng năm 2022 đạt trên 90%).
Huy động ngân sách từ các hoạt động kinh tế, số thu dù đạt gần 71% dự toán và tăng 2,84%, tức là vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng là do tác động của Nghị định 91/2022/NĐ-CP làm thay đổi quy luật nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), dẫn đến số thu thuế TNDN tăng 23,65%. Thuế TNDN là khoản thu đáng kể, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng số thu từ các hoạt động kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Các sắc thuế còn lại như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đều giảm so với cùng kỳ, tỷ lệ giảm lần lượt là trên 7%, trên 13% và gần 3%.
Trong 9 tháng, có khá nhiều khoản thu của TP. Hồ Chí Minh đạt chưa đến 70%. Chỉ một số ít những khoản thu đạt trên mức này, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì số thu đều thấp hơn đáng kể.
Tập trung bồi dưỡng nguồn thu, tăng cường giải pháp quản lý
Từ các nguyên nhân trên, có thể thấy hoạt động thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh ở quý cuối năm 2023 là cực kỳ khó, trong bối cảnh toàn địa bàn đã và đang thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân các khoản chi trên địa bàn (đặc biệt chi đầu tư) nhằm tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, để có thể hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách trên địa bàn, các cơ quan khối tài chính ngoài việc tiếp tục theo dõi sát tình hình thu - chi ngân sách đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm ở quý cuối năm, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý và bồi dưỡng nguồn thu.
Đó là tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế; đẩy mạnh rà soát phân loại nợ thuế, thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ thuế.
Kế đến là tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế đêm, kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và thương mại điện tử; tiếp tục quản lý chặt chẽ việc triển khai hóa đơn điện tử; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện đầy đủ, thu kịp thời các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác.
Các cơ quan tài chính thành phố cũng sẽ tiếp tục tăng cường khai thác nguồn thu từ đất để tạo nguồn lực tiếp tục bố trí chi đầu tư trên địa bàn; yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư, nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực khơi thông, kích cầu, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Song song đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh như thực hiện việc giảm 30% tiền thuê đất, hoàn thuế GTGT kịp thời, đúng quy định; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư…
Tăng nguồn huy động ngân sách từ đất
Lãnh đạo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho biết đang đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó ưu tiên phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để kịp thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách. Trường hợp, cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp có nhà đất sử dụng không đúng mục đích hoặc không có nhu cầu sử dụng thì Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) phối hợp với các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo 167 báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi để bố trí sử dụng theo nhu cầu hoặc đề xuất bán đấu giá để tạo nguồn thu.