TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực chuyển đổi số hướng đến xây dựng y tế thông minh
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, song ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hướng đến xây dựng hệ thống y tế thông minh, mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng hiệu quả hơn và tiện lợi hơn cho người dân.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chuyển đổi số trong y tế không chỉ là việc ứng dụng công nghệ thông tin mà còn là sự thay đổi toàn diện về cách thức quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ hướng đến mục tiêu chung là lấy sức khỏe của người dân làm trung tâm, không ngừng cải tiến chất lượng chăm sóc và chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
![Trong một năm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 100 ca mổ não và tủy sống bằng robot AI giúp người bệnh được hồi sinh. Ảnh: BV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_294_51414529/f65b33220b6ce232bb7d.jpg)
Trong một năm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 100 ca mổ não và tủy sống bằng robot AI giúp người bệnh được hồi sinh. Ảnh: BV
Xác định rõ xây dựng y tế thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua, ngành y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số hướng đến xây dựng y tế thông minh.
Theo đó, tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều nỗ lực và đang dần chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử. Điều này giúp lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách an toàn, dễ dàng truy xuất và chia sẻ giữa các cơ sở y tế. Việc triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện đã giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính, giúp bác sĩ có thêm thời gian tập trung vào việc điều trị cho bệnh nhân, giảm thiểu sai sót y khoa.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ứng dụng telemedicince kết nối bác sĩ khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố đã được ngành y tế Thành phố vận dụng trong nhiều năm qua. Điều này đã góp phần tạo sự an tâm cho người dân khi chọn trạm y tế làm nơi khám chữa bệnh đầu tiên, ngoài ra còn hỗ trợ chuyên môn từ xa cho các bác sĩ công tác tại các trạm y tế khi gặp những tình huống khó, hiếm gặp.
![Ki-ốt đăng ký khám bệnh và thanh toán nhanh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_294_51414529/d776100f2841c11f9850.jpg)
Ki-ốt đăng ký khám bệnh và thanh toán nhanh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BV
Ngoài ra, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố còn ứng dụng telemedicine trong hoạt động hội chẩn, trong đào tạo từ xa và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác khám chữa bệnh với phạm vi y tế vùng giúp nâng cao hiệu quả điều trị, cập nhật phác đồ điều trị.
Song song đó, ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh cũng được triển khai tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa khác nhau trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cho thấy AI đã thật sự tạo thêm nhiều giá trị tích cực.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm, dấu ấn đầu tiên về ứng dụng AI tại TP Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến chính là sự kiện triển khai máy chụp X-quang phổi có tích hợp AI tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An. Việc ứng dụng AI vào máy chụp X-quang lập tức tầm soát một cách dễ dàng đối với 95 biểu hiện bất thường trong người bệnh khi người dân đến trạm y tế xã khám bệnh; đồng thời máy sẽ truyền tải hình ảnh và kết quả đến các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh của các bệnh viện tuyến cuối khi bác sĩ trạm y tế cần tư vấn.
Qua hai năm triển khai, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá kết quả rất khả quan, các chuyên gia y tế nhận định việc cung cấp dịch vụ X-quang ngực có hỗ trợ của AI cải thiện sự hài lòng của người bệnh, giảm chi phí liên quan đến dịch vụ X-quang ngực và tăng số người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã đảo Thạnh An.
![Bác sĩ trẻ sử dụng máy X-quang có tích hợp AI tại Trạm y tế xã đảo Thanh An. Ảnh: SYT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_294_51414529/9ede45a77de994b7cdf8.jpg)
Bác sĩ trẻ sử dụng máy X-quang có tích hợp AI tại Trạm y tế xã đảo Thanh An. Ảnh: SYT
Ông Tăng Chí Thượng cho rằng, thực tiễn đã khẳng định nhờ chuyển đổi số mà các bệnh viện và cơ sở y tế có thể nâng cao hiệu quả quản lý như tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm thiểu thời gian chờ đợi, quản lý dữ liệu bệnh nhân một cách hệ thống và bảo mật, cho đến các công cụ hỗ trợ công tác quản trị bệnh viện; cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, hỗ trợ thầy thuốc và cả người bệnh trong chẩn đoán, điều trị thông qua các công cụ AI, dữ liệu lớn (Big Data), IoT, in 3D… Người dân có thể dễ dàng đặt lịch khám, tra cứu các thông tin về y tế từ các loại hình khám chữa bệnh, thông tin về bác sĩ, chất lượng phòng khám cho đến tư vấn từ xa thông qua các ứng dụng di động.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, TP Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với một số thách thức trong quá trình xây dựng y tế thông minh như hạ tầng công nghệ cần được đầu tư nâng cấp để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và bảo mật dữ liệu, nhân lực y tế cần được đào tạo chuyên sâu để có thể sử dụng hiệu quả các công nghệ mới, chính sách và cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành cũng cần hoàn thiện để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong y tế.
Ông Tăng Chí Thượng khẳng định, với chiến lược rõ ràng, sự quyết tâm của ngành y tế và sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành y tế Thành phố đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu này. Hành trình chuyển đổi số trong y tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại một nền y tế tiên tiến, minh bạch và hiệu quả hơn, phục vụ người dân một cách tốt nhất.