TP. Hồ Chí Minh: Quyết liệt hành động, vươn lên mạnh mẽ
48 năm qua, dù đối diện bao thăng trầm, thử thách, TP. Hồ Chí Minh đã vững vàng vượt qua, vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Những thành tựu đổi thay đáng tự hào…
Sau ngày giải phóng, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh kéo dài nên kinh tế TP. Hồ Chí Minh rất khó khăn, dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất - dịch vụ xuống dốc; giá cả thị trường tăng liên tục và người dân Sài Gòn từng phải ăn cơm độn bo bo, khoai, sắn… Để vượt khó đi lên, Đảng bộ thành phố đã bắt tay vào tái thiết kinh tế, vận dụng, thực hiện sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bám sát thực tiễn, luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường.
Theo đó, bước vào thời kỳ đổi mới, TP. Hồ Chí Minh đã đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong, hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội. Cụ thể, năm 1991, từ đề xuất của TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đến năm 1992, Khu chế xuất Linh Trung tiếp tục ra đời. Năm 1993, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán thành phố, xây dựng thị trường vốn. Đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh - sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm của thành phố và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.
Những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, TP. Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế, chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù mà điển hình là Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh - giúp thành phố chủ động trong các quyết sách để thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Trên hành trình 48 năm xây dựng và phát triển, thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng bình quân 6,41%; đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước; đồng thời là trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn nhất cả nước khi chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, thành phố từ lúng túng, bị động ban đầu đã chủ động cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Và đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 9,03%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.089.446 tỷ đồng, tăng 30,5%; tổng thu ngân sách 457.510 tỷ đồng, vượt 18,4% dự toán; xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, tăng 1,8%... Thành phố cũng đứng đầu cả nước về số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với 11.455 dự án còn hiệu lực (chiếm 31,29% tổng số dự án của cả nước) và tổng vốn đầu tư gần 56,35 tỷ USD (chiếm 12,73% tổng vốn FDI cả nước).
Cùng với tốc độ phát triển của kinh tế, diện mạo đô thị TP. Hồ Chí Minh sau 48 năm ngày càng văn minh, hiện đại hơn với những tòa cao ốc hiện đại, chọc trời như Bitexco, Landmak 81; những đại lộ rộng thênh thang như đại lộ Đông Tây, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… hay khu đô thị sáng tạo TP. Thủ Đức, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và loạt trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ.
"Trong nhiều năm qua, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; vị trí, vai trò của thành phố đối với cả vùng và cả nước ngày càng được khẳng định" - TS Trần Hoàng Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh đánh giá.
Đi đầu trong đón sóng đầu tư
Trong giai đoạn phát triển sắp tới, theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 gồm: Đến năm 2025, thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo…
TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam và cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ, cải cách hành chính, giáo dục… của cả nước. - TS. Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế
Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, là điểm đến hấp dẫn cho du khách và các nhà đầu tư quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố đề ra một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự…
Đồng thời, tập trung vào các nhóm giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế trong thời gian qua như: Giải quyết vướng mắc liên quan tới hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ vướng mắc các dự án, tạo việc làm, tạo khí thế và phát huy các thế mạnh vốn có của thành phố.