Tp Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp giảm mạnh, chờ giải pháp hỗ trợ dài hạn

Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Tp Hồ Chí Minh giảm 4,9% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2020 tăng 9,6% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2020 thì chỉ số này lại giảm 4,9% so với cùng kỳ. Do đó, hiện tại doanh nghiệp thành phố rất cần các giải pháp hỗ trợ cụ thể, mang tính đột phá và dài hạn.
Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,4%...

Đối với ngành công nghiệp cấp II, tính chung 9 tháng năm 2020 thì 10/30 ngành cấp II có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như sản xuất kim loại giảm 29,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 24,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) 22,6%; sản xuất trang phục 20,3%; công nghiệp chế biến chế tạo khác 19,2%...
Còn 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2020 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm truớc, tăng hơn 4,8 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 18,5%; ngành hóa dược tăng 7,6%.
Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, chỉ số số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm 2020 giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, chỉ số tồn kho của ngành này ở một số lĩnh vực tăng cao như in, sao chép bản ghi các loại; chế biến gỗ và sản xuất gỗ tre nứa; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất...
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 so cùng kỳ năm 2019 đã chuyển sang trạng thái mới khi tình hình chống dịch COVID-19 trong nước đã kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn khi các đối tác thương mại lớn vẫn chưa kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ cuối tháng 7/2020, cùng với đó một số nước là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn chưa mở cửa hoàn toàn khiến cho nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa trên thế giới gặp nhiều khó khăn.
"Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ và Bộ ngành có những cơ chế chính sách hỗ trợ tiếp cận, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh của từng đối tác thương mại lớn để có chiến lược xúc tiến thương mại phù hợp với thời điểm mở cửa bình thường mới.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên nhiên liệu và đầu ra cho sản phẩm công nghiệp", ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm.
Để góp phần giúp doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cập nhật công nghệ, kết nối kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới", bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh (CSID) cho hay, đơn vị này đang bổ sung thêm về biện pháp thắt chặt mối liên kết giữa ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản và Việt Nam từ CSID, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp. Hồ Chí Minh.
Trong đó, các tổ chức xúc tiến sẽ chú trọng chia sẻ cơ sở dữ liệu trực tuyến về các công ty Việt Nam, tổ chức kết nối kinh doanh, kiểm toán nhà máy theo yêu cầu, nâng cao năng lực cho các xưởng sản xuất của Việt Nam. Đồng thời, những hoạt động này còn có sự tư vấn của chuyên gia tư vấn hoặc khách hàng Nhật Bản, đào tạo tại nhà máy hoặc trực tuyến cho lao động Việt Nam trong sản xuất, quản lý.
Việt Nam đã chứng minh là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn sống ngày càng được nâng cao. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ là thị trường kinh doanh đầy tiềm năng. Điều này có được nhờ nền kinh tế luôn vận động không ngừng, nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư linh hoạt, cùng với những Hiệp định thương mại được ký kết gần đây.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang đánh giá, năm 2020 – một năm đầy biến động, thách thức khi nền kinh tế trong và ngoài nước khi phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng do đại dịch COVID-19.

Nên các nhà sản xuất "Make in Việt Nam" nên chủ động trong việc điều chỉnh sản phẩm mẫu mã, nghiên cứu và phát triển các tính năng theo nhu cầu của chủ đầu tư và khách hàng.
Còn theo ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện JETRO tại Tp. Hồ Chí Minh, làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu càng được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Việt Nam đang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu về địa điểm đầu tư.
Tuy nhiên, muốn tận dụng cơ hội từ xu hướng thiết lập và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của những tập đoàn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ người lao động.../.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-san-xuat-cong-nghiep-giam-manh-cho-giai-phap-ho-tro-dai-han/174035.html