TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc sởi tăng rất nhanh, xuất hiện ổ dịch trường học

Ngày 11/9, tại buổi họp giao ban về công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn Thành phố do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh nhận định, số ca mắc sởi đang tăng rất nhanh nhưng tiến độ tiêm chủng còn rất chậm, trong đó đã xuất hiện chùm ca sởi trong trường học.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 36 năm 2024 (từ ngày 2 - 8/9), Thành phố ghi nhận 98 ca mắc sởi, tăng 33,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố có 581 trường hợp sởi. Về quy mô, 16/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức có ca mắc mới, tăng so với trung bình 4 tuần trước; 172/312 phường, xã có ca bệnh và 48 phường, xã có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước.

Ngay khi phát hiện ca bệnh trong trường học, Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu (Quận 7) đã tổ chức tiêm vaccine sởi cho học sinh.

Ngay khi phát hiện ca bệnh trong trường học, Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu (Quận 7) đã tổ chức tiêm vaccine sởi cho học sinh.

Bà Lê Hồng Nga cho biết, trong tuần đầu tiên học sinh đi học trở lại, Thành phố đã ghi nhận những ổ dịch sởi tại một số trường học. Cụ thể, Trường Tiểu học Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ, quận 7) ghi nhận 4 ca bệnh sởi; Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) có 3 ca; Trường Tiểu học Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) có 2 ca; Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) có 2 ca; Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức) có 3 ca. Hầu hết, những ca bệnh này đều chưa tiêm đủ vaccine sởi.

“Bệnh sởi lây rất nhanh, đặc biệt là khi học sinh đi học trở lại. Nếu như trong cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp thì khả năng lây qua trường học rất nhanh do môi trường tiếp xúc rất đông trẻ. Do đó, các trường học cần phải đẩy nhanh tiến độ rà soát và tổ chức tiêm chủng”, bà Lê Hồng Nga thông tin.

Về chiến dịch tiêm chủng, bà Lê Hồng Nga cho biết, ước tính trẻ cần tiêm trong chiến dịch khoảng gần 125.000 trẻ, bao gồm 60.733 trẻ 1 tuổi đến 5 tuổi và 63.303 trẻ 6 tuổi đến 10 tuổi. Tuy nhiên, tính đến nay, Thành phố chỉ mới tiêm được 28.229 mũi vaccine, trong đó 19.821 mũi vaccine cho trẻ từ 1 - 5 tuổi, 5.260 mũi vaccine cho trẻ từ 6 -10 tuổi, 3.148 mũi vaccine với trẻ nguy cơ và nhân viên y tế. Điều này cho thấy, trẻ tiêm phòng sởi vẫn còn thấp, tiến độ tiêm chủng còn chậm.

Theo bà Nga, tiêm vaccine trong trường học là giải pháp để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, hiện nay, số điểm tiêm trong trường học còn rất ít. Do đó, trong tuần tiếp theo cần phẩn đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vaccine sởi, triển khai nhiều điểm tiêm chủng hơn ở công lập, ngoài công lập, quốc tế, trạm y tế….

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các đơn vị có xu hướng chờ rà soát danh sách đầy đủ mới tổ chức tiêm vaccine, tuy nhiên trong chiến dịch thì tổ chức tiêm càng nhanh càng tốt. Theo thông tin từ WHO, để phòng chống dịch sởi, cách duy nhất là tăng tỷ lệ tiêm vaccine. Sau khi tiêm vaccine, chỉ cần 3 - 5 ngày đã có miễn dịch. Do đó, cần thực hiện song song vừa rà soát vừa tiêm bổ sung. Lãnh đạo Sở Y tế nhận định, tiêm chủng tại các trường học là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tăng tiến độ tiêm vaccine.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị về công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện, đặc biệt là những quận có số ca mắc bệnh cao như huyện Bình Chánh, Quận 7, Tân Phú, thành phố Thủ Đức cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Những trường học có xuất hiện ca dịch sởi cần phải ưu tiên tiêm cho học sinh, nhân viên, giáo viên của trường và tổ chức tiêm cho người dân sống trong khu vực có trẻ bị sởi.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/tp-ho-chi-minh-so-ca-mac-soi-tang-rat-nhanh-xuat-hien-o-dich-truong-hoc-20240911124925565.htm