TP Hồ Chí Minh: Tăng chất và lượng nguồn nhân lực ngành Vi mạch
Ngành công nghiệp Vi mạch cần nguồn nhân lực lớn. Nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh đào tạo về lĩnh vực này.
Nhu cầu rất lớn
Thời gian qua, một số tập đoàn lớn của nước ngoài như Renesas Design Vietnam, Adtechnology & SNST Việt Nam, Microchip, Synopsys… đã đến thành phố Hồ Chí Minh để tìm nhân lực cho các dự án sẽ triển khai tại Việt Nam.
Theo Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Adtechnology & SNST Việt Nam Lê Thanh Tuấn, doanh nghiệp này đang muốn tuyển kỹ sư chuyên gia thiết kế vi mạch nhiều trình độ, đáp ứng các vị trí khác nhau. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, những người giỏi hiện tìm được việc làm tốt tại nước ngoài.
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, nhưng mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thực tế, tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 55.000 lao động chất lượng cao cho công nghệ vi mạch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, Công nghiệp vi mạch là ngành chủ lực của một quốc gia. Nguồn nhân lực phải được gắn liền với hệ thống trường đào tạo và doanh nghiệp, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn để đào tạo những sinh viên, những kỹ sư ưu tú.
Những nỗ lực ban đầu
Từ năm 2005 đến nay, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ lõi. Qua hoạt động, ICDREC đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo được các chip vi xử lý 8-bit SG8v1, chip vi xử lý 32-bit VN1632, và một số lõi IP ứng dụng bảo mật dữ liệu.
Để tiếp tục nâng cao kết quả nghiên cứu, ứng dụng, từ năm 2018, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để thành lập Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường Đại học Bách khoa.
Bên cạnh đó, từ năm 2023, Trường Đại học Bách khoa bắt đầu tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch (mã ngành 108). Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Tuấn, Trưởng khoa Điện - Điện tử, đây là chuyên ngành đào tạo chất lượng cao.
Nhiều trường đại học khác cũng bắt đầu tham gia đào tạo nhân lực ngành này. Tháng 9 vừa qua, Trường Đại học FPT và Công ty cổ phần Bán dẫn FPT thông báo thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến tuyển sinh từ năm 2024. Cũng từ năm tới, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh đào tạo ngành Thiết kế vi mạch…
Từ phía doanh nghiệp, Giám đốc kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam Nguyễn Phúc Vinh thông tin, từ năm 2022, công ty đã phối hợp với Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vi mạch cho 80 học viên. Cuối tháng 8 vừa qua, công ty đã tổ chức lễ bế giảng khóa đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch Synopsys Intensive Program 2023 cho 30 học viên xuất sắc…
Với vai trò đầu tàu trong đào tạo nhân lực ngành Vi mạch, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều dự án. Điển hình trong số đó là việc dự kiến trong năm 2024, đơn vị sẽ đầu tư khoảng 80 tỷ đồng cho 2 phòng thí nghiệm mới về công nghệ vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường Đại học Công nghệ thông tin.
Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học do USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) tài trợ với tổng kinh phí 15 triệu USD, kéo dài trong 5 năm, từ 2022-2026, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang đề nghị một số trường đại học hàng đầu của Mỹ hỗ trợ đổi mới chương trình đào tạo thiết kế vi mạch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong giai đoạn 2023-2030, đơn vị xây dựng khung chương trình đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành Vi mạch, trình độ tiên tiến cho khoảng 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.