TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics
Nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics đã được các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn logistics TP. Hồ Chí Minh năm 2024.
Hôm nay, ngày 30/5/2024, Đại học Hoa Sen đã tổ chức Diễn đàn logistics TP. Hồ Chí Minh năm 2024 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh trạnh logistics TP. Hồ Chí Minh".
Tại diễn đàn, ông Henry Võ – Trưởng phòng xuất hàng đường biển Công ty TNHH Expeditors Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành logistics thế giới đang hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Cụ thể, tháng 1/2020, Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã đưa ra một quy định việc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường để giảm thiểu tác hại đến môi trường biển do ngành vận tải biển gây ra.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế yêu cầu tất cả các hãng tàu dịch vụ vận tải biển trên toàn cầu phải sử dụng nhiên liệu sạch hơn với hàm lượng lưu huỳnh 0,5% thay vì 3,5 % như trước đây và được áp dụng tất cả tuyến hàng hải biển trên toàn cầu.
Để đáp ứng yêu cầu trên của Tổ chức Hàng hải Thế giới, các hãng tàu đã có những hành động cụ thể. Ví dụ như hãng tàu MSC đã đưa ra một giải pháp về sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu sinh học trong việc vận chuyển container hàng biển.
Nhìn vào năng lực cạnh trạnh ngành logistics của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023, ông Henry Võ chỉ ra 2 yếu tố làm giảm sự cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực đó là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và các chuyến tuyến đường vận chuyển hàng hải quốc tế chưa đa dạng.
Trong diễn đàn này, ông Henry Võ cũng chỉ ra 6 chỉ số ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành logistics của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Đối với cơ quan Hải quan, ông Henry Võ kiến nghị, đơn vị này cần phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp để giảm thời gian thông quan và chi phí hàng hóa ở các cửa khẩu.
Ngoài ra, Nhà nước và địa phương cần chú trọng đầu tư cơ sở hàng tầng về cảng biển, đường sá để phục vụ lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. Đồng thời đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển quốc tế và đa dạng hóa kết nối vùng. Ví dụ, giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành và vùng lân cận. Cùng với đó, cần chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực về logictics công nghệ mới để quá trình vận hành được nhanh chóng và hiểu quả.
Còn với các doanh nghiệp ngành logistics cần đẩy mạnh đầu tư về kỹ thuật số, tự động hóa một số công việc để các hoạt động logistics đúng thời hạn giao hàng của khách hàng và truy vấn thông tin của khách hàng kịp thời. “Nếu chúng ta đầu tư thêm và chú trọng đến phát triển bền vững ngành logistics sẽ là điểm cộng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành này trong tương lai”, ông Henry Võ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ, hiện nay ở Việt Nam nói chung, về logistics chỉ xoay quanh cảng biển và cảng hàng không. Vì thế, nên tuân theo nguyên tắc “lộ thông thì hàng thông”. Đường bộ, đường sông, đường biển… phải được duy tu thường xuyên, mở rộng để kết nối với sân bay, cảng biển dễ dàng hơn.
“Ở TP. Hồ Chí Minh đã được quy hoạch các trung tâm logistics, tuy nhiên cần phải có những con đường kết nối nhau. Hiện nay, các con đường như vành đai 3, 4 cần phải kết nối thật sớm để tăng sự liên kết vùng. Mục tiêu để hàng hóa ra vào Thành phố được nhanh hơn, qua đó sẽ giảm được chi phí và thời gian”, ông Lộc chia sẻ.
Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng mong muốn UBND TP. Hồ Chí Minh và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cần sớm phải có cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa được lưu thông được nhanh hơn.
TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của Thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%.