TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều biện pháp mới khống chế dịch
Trong đợt dịch thứ 4, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn một nghìn ca nhiễm, là địa phương có số ca nhiễm cao thứ 3 cả nước. Rà soát ở các khu vực chung quanh chuỗi lây nhiễm, tầm soát diện rộng, triển khai test nhanh... là những biện pháp mới của thành phố để đối phó với diễn biến dịch tăng nhanh.
Tính đến 6 giờ ngày 17-6, có 1.375 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố; trong đó có 1.128 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 82%). Đã có có 349 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 25,38%. Có hai bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,15% (BN5463 và BN9493). Thành phố đang điều trị 1.024 bệnh nhân dương tính mới (75,14%).
Trong những ngày qua, số ca nhiễm tại đây liên tục tăng cao quanh mốc 100 ca nhiễm/ngày. Tính đến 18 giờ ngày 16-6, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 371 điểm phong tỏa.
Hiện nay, các chuỗi lây nhiễm như nhóm Truyền giáo Phục Hưng, xưởng cơ khí Hóc Môn, chung cư Ehome 3… đã được khoanh vùng, các trường hợp nhiễm mới được phát hiện tại khu cách ly hoặc khu vực đã phong tỏa.
Tuy nhiên, các chuỗi nhiễm mới được phát hiện như chuỗi liên quan BN9827, liên quan BN10714, BN10715 (chuỗi Hnam Mobile), liên quan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, giám sát chặt. Các chuỗi lây mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 (lần 2) tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đặc điểm dịch lần này của địa phương là được phát hiện từ cộng đồng. Một số ca xâm nhập bên ngoài vào cơ sở y tế, sau đó xâm nhập cơ sở sản xuất.
Do đó, việc rà soát ở các khu vực chung quanh chuỗi lây nhiễm, tầm soát diện rộng là biện pháp mới của thành phố. "Tôi cho rằng TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương, quyết liệt hơn ở khu vực chung quanh chuỗi lây nhiễm", ông Sơn cho hay.
Để triển khai các biện pháp ứng phó nhanh với tình hình dịch đang lan rộng, công tác phòng, chống dịch ở TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm mới, trong đó, thành phố đã kết hợp nhiều biện pháp.
Thành phố triển khai xét nghiệm RT-PCR để xác định tải lượng virus cao, thấp của từng người và từ đó đánh giá mức độ lây nhiễm. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ điều tra dịch tễ, xác định thời điểm tiếp xúc thông qua công nghệ truy vết từ người khai báo.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng triển khai xét nghiệm nhanh kháng thể để biết người nào có thể nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, truy tìm được người mang mầm bệnh qua xét nghiệm rRT-PCR khẳng định. Từ người có nồng độ virus cao, dễ dàng suy luận được họ mới lây nhiễm từ trường hợp mang mầm bệnh.
Trước tình hình dịch lan rộng, số lượng các địa điểm cách ly tập trung không đủ đáp ứng, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, có thể thí điểm kế hoạch cách ly các trường hợp F1 tại nhà tại TP Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bộ Y tế)
TP Hồ Chí Minh cũng đã tính toán tình huống có trên 5.000 ca bệnh. Ngành y tế đã chuẩn bị được 2.500 giường ở tám bệnh viện, sắp tới tăng lên 3.500 giường. Hiện thành phố bố trí bốn đơn vị hồi sức bệnh nhân nặng đặt tại các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Điều trị Covid-19 Củ Chi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Chợ Rẫy. Nếu số lượng ca mắc tiếp tục tăng như hiện nay đến kịch bản 5.000 ca, sẽ trưng dụng Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) làm bệnh viện dã chiến.
"Tôi cho rằng các phương án về cách ly, điều trị hiện nay đã được tính toán, chuẩn bị sẵn sàng và không có chuyển biến đột ngột hay thay đổi phương án. Nếu TP Hồ Chí Minh có trên 1.000 ca bệnh nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì không cần cần thiết giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã làm kịp thời, đến nay hầu hết chuỗi dịch gần như được kiểm soát", Thứ trưởng cho hay.
TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 14 ngày, kể từ ngày 14-6 để phòng chống Covid-19 trước nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh nhận định, nếu địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong hai tuần giãn cách này, không để virus lây nhiễm và lây lan trong cộng đồng, TP Hồ Chí Minh sẽ có thể khống chế được dịch trong 2-3 tuần tới.