TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ 'bắt tay' xúc tiến đầu tư
UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh: Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ.
Vùng Duyên hải Trung Bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế
Ngày 10/10, tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh: Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ. Đây là sự kiện thuộc trong chuỗi sự kiện Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Vùng Duyên hải Trung bộ (gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi và Bình Định) có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển, thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước.
Trong đó, một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương trong vùng là vị trí địa lý gần đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đều giáp biển, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp và nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch. Đồng thời, các địa phương trong vùng hiện còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ.
Với tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn cho hay, với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tỉnh tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế.
Cụ thể, Bình Định ưu tiên các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, các nhà máy chế biến nông sản chuyên sâu; lĩnh vực hạ tầng các khu cụm công nghiệp; lĩnh vực dịch vụ cảng và logistics; lĩnh vực du lịch; lĩnh vực kinh tế đô thị; lĩnh vực y tế, giao dục; công nghệ thông tin. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, điều kiện tự nhiên của 6 tỉnh khá giống nhau, dẫn tới liên kết vùng khó, thậm chí cạnh tranh nhiều hơn liên kết. Tuy nhiên, các tỉnh trong vùng có thể cùng nhau phát triển năng lượng tái tạo vì nhiều nắng, gió.
“Khi đầu tư tại tỉnh Bình Định nói riêng và các địa phương Vùng Duyên hải Trung bộ nói chung, quý doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững. Riêng đối với tỉnh Bình Định, chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh, Bình Định không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.
Với tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết, khi đầu tư dù ở địa phương nào trong vùng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công, phát triển.
"Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến với vùng Duyên hải Trung Bộ, trong đó có Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh", ông Trần Phước Hiền nói.
Chưa liên kết được giữa các địa phương
Theo TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, bài toán của khu vực miền Trung là có quá nhiều tiềm năng, nhưng không biết phát triển, tập trung vào lĩnh vực nào; địa phương nào cũng giống nhau nên không biết liên kết kiểu gì. Đây là thách thức không nhỏ.
Theo TS. Trần Du Lịch, miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung trong 10 - 15 năm tới vấn đề tiềm năng phát triển công nghiệp vẫn là đứng đầu. Công nghiệp sắp tới bắt buộc phải chuyển đổi, trên cả 2 lĩnh vực là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Trong đó, chuyển đổi số phải đầu tư cho hạ tầng số gồm: Big Data, Al…; còn chuyển đổi xanh là năng lượng tái tạo.
"Hai vấn đề cốt lõi này đang và sẽ đặt ra bài toán cho miền Trung. Bởi, chính quyền cùng các nhà đầu tư trong phát triển công nghiệp phải đi vào hướng chuyển đổi để xem xét nhà đầu tư cần gì, chính quyền có thể làm gì…", ông Lịch nói thêm.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, ông Lịch đề xuất, trong phát triển công nghiệp, thành phố nên tập trung vào giai đoạn có trị gia tăng cao nhất, còn các công đoạn khác nên chuyển giao, hỗ trợ cho các tỉnh.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã thảo luận, đóng góp ý kiến để hoạt động thu hút đầu tư tại 6 tỉnh đem lại hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng mong muốn được mở rộng thị trường liên doanh, đầu tư giữa các tỉnh trong vùng. Một số doanh nghiệp kiến nghị các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp các thông tin về dự án thu hút đầu tư để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận.
Ông Nguyễn Văn Lăng - Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Định cho biết, dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP tai huyện Vân Canh được xem là một trong những dự án trọng điểm kiểu mẫu.
Khu công nghiệp, đô thị này có hệ thống cơ sở hạ tầng hội đủ các yếu tố khu, đô thị sinh thái, hiện đại. Đến nay, Khu Công nghiệp Becamex VSIP đã thu hút 5 dự án với số vốn 170 triệu USD đầu tư trên quy mô 60 ha. Trong tương lai với diện tích trên 1.425 héc ta sẽ thu hút trên 2 tỷ USD đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho 120.000 đến 150.000 lao động tại địa phương và các tỉnh thành lân cận.
Theo ông Lăng, trên con đường phát triển, hệ thống Becamex - VSIP sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, phủ khắp các tỉnh Duyên hải miền Trung. Với cơ sở đó, Becamex mong các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải miền Trung sẽ cùng kết nối, cùng phát triển và lớn mạnh, đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người dân và địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ tối đa
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải kêu gọi các doanh nghiệp và hội ngành nghề của thành phố tìm hiểu các cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển thị trường tại các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ - một trong bốn vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh luôn cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, logistics để thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư với các tỉnh Duyên hải Trung bộ một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các chủ trương, chính sách của thành phố cũng luôn tăng cường, mở rộng, giao thương vừa hỗ trợ các tỉnh, vừa kết nối cho sự phát triển của thành phố.
"Để đẩy mạnh hiệu quả thu hút đầu tư vào các dự án góp phần phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ trong quá trình tìm hiểu và đầu tư phát triển tại các địa phương. Đồng thời phân công các cơ quan đầu mối phối hợp, kết nối với Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh để cùng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư", Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trao các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư đăng ký đầu tư, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Bình Định.