TP Hồ Chí Minh 'xé rào' vươn lên vị thế đầu tàu kinh tế
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ một đô thị vừa trải qua chiến tranh, đối mặt với muôn vàn khó khăn để trở thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu cả nước.
Trong suốt hành trình ấy, Thành phố luôn đi đầu trong tư duy cải cách, sẵn sàng "xé rào" để tháo gỡ điểm nghẽn, mở đường cho sự phát triển, đóng vai trò đầu tàu trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trụ sở UBND - HĐND TP Hồ Chí Minh.
Từ "đi trước về sau" đến "đi trước về đích trước"
Sau ngày 30/4/1975, TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định chính trị - xã hội và phục hồi sản xuất.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, những năm đầu sau giải phóng, Thành phố đối mặt với vô vàn thách thức gồm: Sản lượng công nghiệp quốc doanh sụt giảm nghiêm trọng; tình trạng thất nghiệp cao, tệ nạn xã hội gia tăng, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất đình trệ... Lúc này, hai nhiệm vụ quan trọng được đặt ra đối với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là “lo cái ăn cho nhân dân và vực dậy nền sản xuất đang đình trệ”.

TP Hồ Chí Minh trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế vượt bậc sau 50 năm giải phóng.
Theo PGS.TS Vũ Quang Đạo, với tinh thần chủ động và để giải quyết khó khăn trên, TP Hồ Chí Minh đã sớm ban hành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ nhất vào tháng 4/1977, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đưa kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ. Theo đó, TP Hồ Chí Minh tập trung vào những giải pháp như: tích cực tổ chức lại sản xuất, củng cố chính quyền nhân dân và tăng cường các thành phần kinh tế quốc doanh, hợp tác xã... Sau hai năm, Thành phố cơ bản ổn định được tình hình, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.
Nhìn lại hành trình 50 năm của TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo cho rằng, đó là hành trình từ “đi trước về sau” đến “đi trước về đích trước”. Đầu tiên, TP Hồ Chí Minh vinh dự là nơi ghi những trang mở đầu và cũng là nơi kết thúc thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi đất nước thống nhất, Thành phố cũng đi đầu trong nỗ lực khôi phục sản xuất, cải tạo xã hội. Trải qua nhiều thập kỷ, Thành phố vẫn tiếp tục dẫn đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu “vì cả nước, cùng cả nước” để chống lại đói nghèo, lạc hậu với mục tiêu "đi trước về đích trước" nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đánh giá về vai trò đầu tàu của TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ thập niên 1970, trước những khó khăn của nền kinh tế bao cấp, TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn tìm kiếm các mô hình sản xuất mới, tự “cởi trói” để cứu lấy nền sản xuất và đời sống người dân. Khi đó, chính những lãnh đạo Thành phố đã không ngần ngại vượt qua cơ chế cứng nhắc, chủ động tổ chức thu mua gạo từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và mô hình "gạo cô Ba Thi" đã cứu đói cho hàng triệu người...
Nơi thí điểm nhiều chính sách mới
TP Hồ Chí Minh cũng là nơi đầu tiên thí điểm cơ chế “khoán sản phẩm”, “khoán gọn” trong công nghiệp - tiền đề cho chính sách đổi mới sau này. Theo đó, năm 1986, khi cả nước bước vào công cuộc đổi mới, Thành phố đã có nền tảng để bứt phá. Trong giai đoạn 1986 - 2010, GRDP Thành phố tăng bình quân trên 10,5%/năm, gấp gần 4 lần so với mức tăng trưởng trong 10 năm trước đó.

Lượng khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng từ sau giải phóng.
Mười năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ năm 2002 của Bộ Chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh bình quân hơn 11%/năm, cao hơn nhiều so với vùng và cả nước. Đến năm 2020, quy mô kinh tế Thành phố đã tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, Thành phố đã phục hồi ấn tượng với mức tăng trưởng GRDP quý I/2025 đạt hơn 7,5% so với cùng kỳ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định, kết quả này không chỉ phản ánh năng lực bứt tốc mạnh mẽ của kinh tế Thành phố mà còn mang lại niềm tin mới cho cả hệ thống chính trị và người dân.
"Hành trình 50 năm qua cho thấy tất cả ý chí, khát vọng và quyết tâm của Thành phố để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu to lớn và ý nghĩa. Quá trình ấy gắn với nhiều thành tựu đột phá và đổi mới, từ đó, Thành phố là nơi khởi nguồn của nhiều chính sách, nhiều cơ chế kinh tế mới của đất nước. Cho đến nay, Thành phố vẫn là nơi thí điểm các chính sách, đặc biệt là các chính sách về kinh tế thị trường để nhân rộng ra cả nước", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết.
"Hiện tại, TP Hồ Chí Minh vẫn đang dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, đóng góp trên 22% GDP và gần 1/3 thu ngân sách quốc gia. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố trong suốt 50 năm qua", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục vươn lên để xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế cả nước trong những năm tới.
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, sự đoàn kết, đồng lòng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố; coi đây là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công và sự phát triển bền vững.
"Phát huy tinh thần là điển hình của sự đổi mới, là nơi hội tụ và phát triển các giá trị văn hóa, là trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến cải thiện chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... Những năm tới, TP Hồ Chí Minh vẫn đặt mục tiêu giữ vững vai trò đầu tàu trên nhiều lĩnh vực và là động lực cho các chiến lược phát triển nhanh và bền vững, hướng tới kỷ nguyên phát triển mới của đất nước", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.