TP Hồ Chí Minh xem xét bãi bỏ thí điểm thu phí vỉa hè
UBND TP Hồ Chí Minh đang xem xét bãi bỏ Quyết định 32/2023/QĐ-UBND về việc thí điểm thu phí vỉa hè sau hơn 1 năm nhằm bảo đảm đồng bộ với Nghị định 165 của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Đường bộ.
Theo đó, sau hơn 1 năm UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 32/2023/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (có hiệu lực từ ngày 1/9/2023), Quyết định này đang được TP xem xét bãi bỏ. Việc này nhằm bảo đảm đồng bộ với Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Đường bộ.
Theo Sở Giao thông Công chánh TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành chức năng sẽ rà soát, tham mưu UBND TP này bãi bỏ Quyết định 32, thay thế bằng các văn bản pháp lý phù hợp, thực hiện chế tài nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý vỉa hè đi vào trật tự, nề nếp. Đồng thời, thống nhất hình thức thu phí, nhất là vỉa hè phải thực sự của người đi bộ, lấn chiếm kinh doanh.

UBND TP Hồ Chí Minh xem xét bãi bỏ Quyết định 32/2023/QĐ-UBND về việc thí điểm thu phí vỉa hè để đồng bộ với Nghị định 165 của Chính phủ (Ảnh minh họa)
Được biết, sau hơn 1 năm triển khai quản lý, thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè theo Quyết định 32, số phí thu được tại TP Hồ Chí Minh khoảng 7 tỷ đồng.
Trong đó số phí do Sở Giao thông Công chánh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, phí thu được của các quận (gồm quận 1, 3, 4, 8, 10 và 12) khoảng 4,5 tỷ đồng (gồm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa…
Bên cạnh đó, TP và các địa phương thực hiện xử lý vi phạm hành chính trật tự lòng đường, vỉa hè với 12.950 trường hợp, phạt khoảng 4,53 tỷ đồng.
Vì vậy, Sở Giao thông Công chánh nhận định, đã có một số địa phương thực hiện thu phí theo Quyết định 32 nghiêm túc, trách nhiệm như quận: 1, 3, 4, 8, 10 và 12.
Trong đó, có đơn vị đã xây dựng phần mềm ứng dụng đăng ký thu và đóng phí như quận 1 hay một số quận như quận 4, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú ban hành danh mục triển khai cấp phép, kẻ vạch sơn, thu phí từ đó giúp người đi bộ thuận tiện đồng thời hè phố được khai thác hiệu quả.
Tuy nhiên, ghi nhận vẫn còn nhiều quận, huyện thực hiện không triệt để về Quy định thu phí, quản lý sử dụng tạm vỉa hè nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, làm bộ mặt đô thị nhếch nhác, kém văn minh vẫn còn diễn ra trên địa bàn…
Để việc sử dụng lòng đường, vỉa hè phù hợp với các hoạt động được cho phép quy định tại Nghị định số 165 của Chính phủ cũng như thống nhất trong việc ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, Sở Giao thông Công chánh cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh trình HĐND TP ban hành Nghị quyết mới trên cơ sở hợp nhất Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND (có sửa đổi, bổ sung) ngày 19/9/2023 của HĐND TP Hồ Chí Minh quy định mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP Hồ Chí Minh quy định mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn.
Sở Giao thông Công chánh cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét chấp thuận chủ trương cho sở tiếp nhận phần mềm quản lý sử dụng tạm thời lòng đường hè phố do Công ty Visa Worldwide Pte.Limited tài trợ để triển khai áp dụng trên toàn địa bàn TP thống nhất, phục vụ công tác quản lý, thu phí vỉa hè được đồng bộ và hiệu quả.
Được biết, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên. Trong đó có 2.271 tuyến đường có vỉa hè, với 929 tuyến đường có bề rộng từ 3m trở lên và 1.342 tuyến đường có bề rộng dưới 3m.
Như vậy, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè và trong số các tuyến đường còn lại (đường có vỉa hè) có khoảng 27,47% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-xem-xet-bai-bo-thi-diem-thu-phi-via-he.657649.html