TP Sầm Sơn (Thanh Hóa): Trước mùa mưa bão, hàng nghìn hộ dân lo đê vỡ

Chưa đầy 1km chiều dài, tuyến đê sông Mã (từ K60+00 đến K60+800, đoạn qua địa bàn phường Quảng Tiến và Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) bị xuống cấp, được đưa vào danh mục những tuyến đê xung yếu của tỉnh này nhưng đến nay vẫn chưa được tu sửa nâng cấp. Nỗi lo vỡ đê, tràn đê vẫn luôn thường trực với hàng nghìn hộ dân nơi đây!

 Tuyến đê sông Mã qua địa bàn phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) bị xuống cấp. Ảnh: N.Hưng

Tuyến đê sông Mã qua địa bàn phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) bị xuống cấp. Ảnh: N.Hưng

Nỗi lo… đê vỡ!

Chúng tôi có mặt tại tuyến đê trên khi cơn bão số 2 vừa đổ bộ vào đất liền nước ta. Mực nước sông Mã lên cao, trong khi đó mực nước thủy triều từ biển đẩy vào khiến con đê oằn mình gánh đỡ. Qua quan sát, tuyến đê gần như bị “cày nát”, biến dạng với sự xuất hiện của hàng loạt ổ voi, hố trâu to rộng sâu cả mét. Một điều lạ, với vai trò ngăn lũ cho hàng nghìn hộ dân thành phố biển Sầm Sơn nên ở phía hai đầu tuyến đê đã được kiên cố hóa với cao trình đê đạt tiêu chuẩn ngăn lũ, mặt đê được bê tông cứng hóa. Duy chỉ 800m đê nằm ở giữa, cao trình đê thấp, vai trò xung yếu nhất lại bị bỏ qua một cách khó hiểu(?).

Người dân nơi đây cho biết, nhiều năm qua, họ đã có kiến nghị về tuyến đê này mà không thấy có phản hồi gì từ các cấp ngành chức năng cũng như phía chính quyền địa phương. “Nếu chẳng may con đê thất thủ vào mùa mưa lũ thì không chỉ nhà tôi mà cả nghìn hộ dân của phường và toàn thành phố cũng bị nước lũ nhấn chìm, trách nhiệm lúc đó liệu sẽ thuộc về ai?”, một hộ dân thắc mắc.

Cũng theo các hộ dân thì nguy cơ vỡ đê, tràn đê là thấy rõ. Mấy năm trở lại đây, tình trạng mực nước ngấp nghé mặt đê, thậm chí tràn nhẹ. Nếu chẳng may lũ sông Mã lớn kết hợp triều cường thì nguy cơ tràn đê, vỡ đê hậu quả khôn lường. Cũng chẳng hiểu tại sao, tuyến đê đã được liệt vào danh mục tuyến xung yếu của tỉnh mà mãi vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.

Bên cạnh đó, người dân cũng cho rằng những kiến nghị, phản ánh lâu nay bị bỏ ngoài tai, phía chính quyền cũng như cấp ngành chức năng thiếu để ý. Đặc biệt, tại đây có lưu lượng xe vận tải cỡ khủng thường xuyên lưu thông trên tuyến đê nhưng tuyệt nhiên không có một gác chắn giảm tải nào tồn tại. Đó là nguyên nhân khiến con đê phải cõng hàng ngàn lượt xe tải cỡ khủng vận chuyển đất đá, vật liệu qua lại. Hệ quả, con đê bị biến dạng, xuống cấp. Một vài hộ sinh sống gần mép đê do lo sợ cũng đã di dời đi nơi khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến đê hữu sông Mã (đoạn từ K60 đến K60+800 thuộc phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) được xếp vào danh sách 32 vị trí trọng yếu phòng chống thiên tai của tỉnh Thanh Hóa trong mùa mưa bão năm 2019. Đây là đoạn đê gần cửa biển Lạch Hới, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều và gió bão. Tuy nhiên, thân đê có cao trình thấp, ở phía sông có kè lát mái xây dựng từ năm 1992. Hiện đoạn đê rất cần được sửa chữa, nâng cấp kiên cố để bảo đảm an toàn cho người dân và các đầm nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Xung yếu nhưng chưa có vốn đầu tư?!

Theo lãnh đạo UBND phường Quảng Cư, hiện tuyến đê trên được liệt vào danh mục đê xung yếu, đã xuống cấp trầm trọng, người dân cũng như chính quyền đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp kiến cố. Việc dân “kêu chưa thấu” dẫn tới việc mỗi năm, chính quyền cũng như người dân vừa phải căng mình với những phương án đối phó phòng chống lũ lụt, phòng chống vỡ đê, vừa phải lo di tán.

Trao đổi với phóng viên, ông Khương Anh Tấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Thanh Hóa khẳng định: “Tuyến đê sông Mã từ K60+00 đến K60+800 nối phường Quảng Tiến xuống phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) xuống cấp, nguy hiểm là rõ. Đây là tuyến đê dưới cấp III, tuy nhiên do khó khăn nguồn vốn nên chưa được đầu tư”.

Cũng theo ông Tấn, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 24 con sông lớn nhỏ, với tổng chiều dài đê 1.008km. Trong đó, đê từ cấp I đến cấp III dài 315km; đê dưới cấp III dài 693km. Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 32 sự cố đê điều. Trong đó, có tới 27 sự cố xảy ra với các tuyến đê từ cấp III đến cấp I. Cũng trong năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 40 phương án bảo vệ trọng điểm PCLB. Đến nay đã đầu tư, nâng cấp được 19 trọng điểm (11 trọng điểm hoàn thành, 9 trọng điểm dự kiến hoàn thành năm 2019). Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đang thi công 23 công trình (đê cấp III trở lên là 16 công trình, đê dưới cấp III là 2 công trình) với tổng chiều dài 30,09km.

Ông Tấn nhấn mạnh: “Trước thực trạng còn nhiều tuyến đê xung yếu chưa được đầu tư, đảm bảo trước mùa mưa lũ, trong nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2019, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn kiểm tra, ra soát lại tất cả các công trình đê điều, làm việc với các địa phương, yêu cầu có phương án bảo đảm an toàn riêng cho từng vị trí đê xung yếu”. u

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tp-sam-son-thanh-hoa-truoc-mua-mua-bao-hang-nghin-ho-dan-lo-de-vo-20190708163638291.htm