TP Thủ Đức phải đúng vị trí vai trò

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, Vùng đô thị TPHCM có 17 đô thị từ loại 3 đến loại 1 gắn với đô thị đặc biệt TPHCM. Trong các đô thị của Vùng như TP Biên Hòa; TP Dĩ An; TP Nhơn Trạch; đô thị cảng hàng không Long Thành; thị xã Phú Mỹ… cùng với TP Thủ Đức sẽ hình thành chuỗi đô thị, một khi giao thông kết nối được xây dựng hoàn chỉnh như các đường vành đai 2 và 3…

Nhìn trên quan điểm kinh tế Vùng và Vùng đô thị, việc xây dựng TP Thủ Đức chính là bước đột phá để đẩy nhanh quá trình phát triển của các đô thị phía Đông của Vùng đô thị TPHCM.

Đây cũng là bước đột phá để thực hiện chủ trương của TPHCM từ hàng chục năm nay, nhưng thực hiện chưa có hiệu quả: Phát triển TPHCM theo hướng đa trung tâm; giảm áp lực tập trung hóa hoạt động kinh tế và dân cư khu vực nội thành. Đây cũng là hướng phát triển chính nhằm giải quyết các vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường.

Theo quy hoạch tổng thể TPHCM, TP Thủ Đức chứa đựng nhiều nhân tố để phát triển thuận lợi nhất so với các địa bàn khác của TP. Nơi đây có 2 cảng biển quan trọng trên sông Đồng Nai thuộc cụm cảng biển số 5 (cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu); Đại học Quốc gia TPHCM; Khu công nghệ cao; Đô thị khởi nghiệp sáng tạo; Đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao tầm cỡ khu vực Rạch Chiếc; Công viên văn hóa lịch sử; đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt (trong tương lai); tuyến tàu điện nội đô đầu tiên nối với các quận trung tâm TP…

Do đó, nếu theo quan niệm “Thóc đến đâu bồ câu đến đó”, các nhân tố phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hình thành một đô thị hoàn chỉnh đối trọng với đô thị cũ, chắc chắn sẽ có điều kiện để xây dựng đô thị xanh và TP thông minh trong tương lai không xa.

Để chủ động trong quá trình xây dựng TP Thủ Đức theo mục tiêu thành lập, cần nhìn nhận thực tế xây dựng TP Thủ Đức không phải là “tờ giấy trắng để chúng ta vẽ nên bức tranh theo ý muốn”, mà phải ghép và cải biến “những mảnh giấy đã vẽ dang dở” thành “một danh họa”. Do đó, ngay trong năm đầu tiên cần quan tâm và tiến hành song song 3 nội dung.

Thứ nhất, quy hoạch lại tổng thể đô thị trên diện tích 211km2 theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, để làm cơ sở xây dựng hệ thống giao thông công cộng kết nối và hướng mở ra cả Vùng đô thị TPHCM (trước mắt là các đường vành đai và các cầu nối với tỉnh Đồng Nai).

Quy hoạch đô thị mới với triết lý phát triển đô thị xanh, đô thị sáng tạo và đô thị khoa học-công nghệ- đào tạo. Do đó, quy hoạch phát triển TP Thủ Đức không phải là cộng 3 bản quy hoạch của 3 quận cũ lại, mà cần có tầm nhìn mới, đúng vị trí vai trò của đô thị mới này.

Để thực hiện công việc này cần đánh giá 3 vấn đề đang là trở lực: (1) Tình trạng chiếm hữu đất đai và đầu cơ đất để thổi giá trên địa bàn; (2) Sự phát triển các khu dân cư tự phát trong nhiều năm qua dẫn đến tình trạng “da beo” về quỹ đất để xây dựng các công trình trọng điểm; (3) Tồn tại nhiều dự án chưa giải quyết xong việc khiếu kiện của dân sẽ tác động mạnh đến việc triển khai các dự án mới thực hiện theo quy hoạch.

Thứ hai, tổ chức sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp TP đến cấp phường theo hệ thống dọc thông suốt và tinh thông nghiệp vụ, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu.

Đây là vấn đề khó nhất vì liên quan đến con người cụ thể, nhưng nếu không vượt qua được thách thức này sẽ không thay đổi được chất lượng công vụ và thực hiện được nhiệm vụ đặt ra đối với TP này.

Thứ ba, xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Đức, nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của địa phương và giảm bớt công việc của các sở ngành, theo nguyên tắc việc gì chính quyền TP Thủ Đức có thể làm tốt, phân cấp, phân quyền cho làm, các sở ngành TPHCM chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay.

Một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện. Tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của chính quyền đô thị. Tất cả đều hướng tới mục tiêu: TP Thủ Đức là hình mẫu của mô hình chính quyền đô thị hiện đại.

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tp-thu-duc-phai-dung-vi-tri-vai-tro-91046.html