TPHCM: Chuẩn bị điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 6 và lớp 10

Trong năm học này, các trường THCS có trách nhiệm phát triển kỹ năng đọc và kỹ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh, song song với việc phát triển các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại nhà trường theo đúng quy định pháp luật.

Nhằm chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới (bắt đầu thực hiện ở lớp 6 từ năm học 2021-2022), Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu vừa có văn bản chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn TP thực hiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong năm học 2020-2021, đồng thời xây dựng dự toán, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc giảng dạy ở lớp 6, nhất là hai môn Khoa học và Tin học.

Cũng trong năm học này, các trường THCS có trách nhiệm phát triển kỹ năng đọc và kỹ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh, song song với việc phát triển các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại nhà trường theo đúng quy định pháp luật.

Sở GD-ĐT TP yêu cầu mỗi trường học phải xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025 gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi về giáo dục, văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.

Riêng đối với bậc THPT, các trường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng dự toán, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (bắt đầu thực hiện ở lớp 10 từ năm học 2022-2023).

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các trường THPT có giải pháp đầu tư, nâng cấp phòng máy vi tính đáp ứng yêu cầu khảo sát trực tuyến, dạy học môn Tin học, tổ chức kiểm tra, đánh giá (nhất là các môn ngoại ngữ đối với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết), xây dựng tài nguyên dạy học, ngân hàng đề kiểm tra và có giải pháp sử dụng phần mềm dạy học qua internet.

Đặc biệt, Sở GD-ĐT TP lưu ý các trường đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, sách tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của (quận 2) trong một giờ học theo mô hình thông minh, hiện đại.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của (quận 2) trong một giờ học theo mô hình thông minh, hiện đại.

Mỗi trường học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, hiệu trưởng chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể đối với chương trình các môn học. Từ kế hoạch giáo dục các môn học, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên cụ thể cho từng lớp.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên các trường THCS và THPT trên cả nước thực hiện hai Thông tư mới của Bộ GD-ĐT là Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT (ngày 15-9-2020) về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT (ngày 26-8-2020) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT.

Trong đó, việc áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá và số lần thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kỳ phải được quy định cụ thể trong Quy chế kiểm tra, đánh giá nhà trường và trong Kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm chuyên môn.

Nhà trường và giáo viên công khai các quy định về hình thức kiểm tra, đánh giá và số lần thực hiện cho học sinh và cha mẹ học sinh biết để phối hợp thực hiện, khuyến khích các trường ứng dụng CNTT giúp giáo viên theo dõi, đánh giá học sinh.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-chuan-bi-dieu-kien-ve-giao-vien-va-co-so-vat-chat-trien-khai-chuong-trinh-gdpt-moi-doi-voi-lop-6-va-lop-10-691770.html