TPHCM chuẩn bị sắp xếp đơn vị hành chính gắn với việc triển khai Nghị quyết 57
Theo Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Lâm Đình Thắng, sau khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ban hành, TPHCM đã triển khai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Trong quý 2, thành phố tập trung loạt giải pháp từ đào tạo nhân lực, hoàn thiện thể chế chính sách đến hạ tầng, tiếp tục chuẩn bị cho công tác sắp xếp đơn vị hành chính gắn với việc triển khai Nghị quyết 57.

Đồng chí Nguyễn Văn Được cùng các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiều 14-4, Đảng ủy UBND TPHCM tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ UBND TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, lần thứ 2 (mở rộng).
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Trần Văn Nam, Phó Bí thư Đảng ủy UBND TPHCM; Ngô Thành Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy UBND TPHCM.
Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo AI, vi mạch
Tham luận tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, TPHCM đã triển khai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Trong đó, TPHCM tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) phát triển, xem đây là lợi thế cạnh tranh.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Lâm Đình Thắng trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thành phố đã phê duyệt gần 1.800 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, trong đó hơn 1.700 quy trình đã được tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, cắt giảm thời gian (giảm hơn 3.500 giờ làm việc) và các bước thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Thành phố triển khai hiệu quả các Nghị quyết của HĐND TPHCM ban hành theo tinh thần Nghị quyết 98. Kết quả ban đầu khích lệ, đã thu hút hồ sơ và phê duyệt các tổ chức tham gia hình thành Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (lĩnh vực vi mạch, vật liệu mới) với kinh phí dự kiến 200 tỷ đồng; xét duyệt hỗ trợ 152 dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo với tổng kinh phí 10,3 tỷ đồng; cấp phép thử nghiệm bay không người lái.
Ngoài ra, TPHCM chuẩn bị đầu tư dự án ứng dụng AI hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cán bộ trong giải quyết TTHC. Trong quý 2, TPHCM tiếp mở rộng các lớp tập huấn, bồi dưỡng về AI cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân; xây dựng dự thảo nghị quyết HĐND TPHCM về các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Nghị quyết 57...

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sắp tới, Sở KH-CN cũng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách đột phá của Nghị quyết 98 (thử nghiệm UAV, xe tự hành; hỗ trợ dự án khởi nghiệp; phát triển trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế). Cùng với đó, triển khai 4 đề án thí điểm phối hợp với Bộ KH-CN về phát triển Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TPHCM, chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cơ chế sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, cơ chế tài chính hỗ trợ cơ sở vật chất cho các tổ chức KHCN, ĐMST.
Ngoài ra, TPHCM hoàn thành báo cáo đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp và kế hoạch đưa TPHCM vào top 100 hệ sinh thái năng động toàn cầu. Thành phố sẽ triển khai Hệ thống thông tin theo dõi chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 57; đẩy nhanh tiến độ mở rộng Khu Công nghệ thông tin tập trung, xây dựng Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu; động thổ Trung tâm Dữ liệu Viettel tại Củ Chi; khánh thành tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM.
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, TPHCM sẽ phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo AI, vi mạch, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong quản lý và xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế. Đồng thời, tiếp tục chuẩn bị cho công tác sắp xếp đơn vị hành chính gắn với việc triển khai Nghị quyết 57.
Tập trung giải quyết các dự án tồn đọng
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM đang đối mặt với những thách thức lớn từ mức thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thành phố chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế, phát huy kinh tế tư nhân và khoa học công nghệ.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 từ 10%, Giám đốc Sở Tài chính đề xuất 4 nhóm giải pháp, tập trung vào phát huy cơ chế đặc thù, đảm bảo thu - chi ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư và nâng cao môi trường đầu tư.
Trong đó có việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, đề xuất thêm các chính sách tài chính đột phá, hỗ trợ dự án công nghệ cao, năng lượng tái tạo và hạ tầng đô thị. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đề án huy động nguồn lực xã hội cho hạ tầng, đặt mục tiêu thu hút trên 620.000 tỷ đồng, tận dụng các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 để huy động nguồn vốn tư nhân vào giao thông, logistics và khu công nghệ cao.
Nhận định việc giải quyết các dự án tồn đọng cũng là nhiệm vụ cấp bách, Sở Tài Chính đã tập trung phối hợp cùng các tổ công tác của UBND TPHCM xử lý 571 công trình, dự án tồn đọng, đặt mục tiêu giải quyết 100% vướng mắc thuộc thẩm quyền thành phố trong năm.
Đồng thời, tiến hành điều chuyển vốn linh hoạt, ưu tiên vốn cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh; đẩy mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, khai thác thị trường rộng lớn với hơn 25 triệu dân ở vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.