TPHCM: Có nên đầu tư trung tâm logistics?

UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến 2030 với tổng nguồn vốn 95.800 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn đối với ngân sách TPHCM, song để đầu tư đúng nghĩa cho ngành logistics số vốn còn lớn hơn rất nhiều.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. Nhan Cẩm Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, xung quanh sự phát triển ngành logistics tại TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trước bối cảnh quỹ đất hạn chế, bài toán hạ tầng kết nối, kẹt xe quanh các cảng... còn nhiều thách thức, TPHCM có thể phát triển ngành logistics như mong đợi?

TS. NHAN CẨM TRÍ: - Nhu cầu về dịch vụ logistics chắc chắn ngày càng tăng cao tại TPHCM. Bởi lẽ TP là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu mối của các hoạt động xuất nhập khẩu và phân phối hàng hóa của cả khu vực phía Nam, và trong tương lai sẽ là của cả khu vực ASEAN.

Tuy nhiên sự phát triển của ngành có như mong đợi còn tùy thuộc vào năng lực quy hoạch của TPHCM cho lĩnh vực này. Nhìn sang Singapore, chúng ta có thể thấy diện tích của Singapore nhỏ hơn cả TPHCM, đường sá chật hẹp, các công trình san sát nhau nhưng họ vẫn tranh thủ từng tấc đất và sử dụng rất hiệu quả. Singapore hiện là quốc gia có dịch vụ logistics thuộc top đầu thế giới.

- Nhưng một trong những trung tâm logistics chính của TPHCM là cảng Cát Lái. Với đề án mới thành lập trung tâm logistics tại 7 vị trí, liệu có khả thi, thưa ông?

- Thật ra Cát Lái hiện nay vẫn chưa thể xem là trung tâm logistics theo đầy đủ định nghĩa của nó. Trung tâm logistics là khu vực diễn ra các hoạt động liên quan đến vận tải, phân phối hàng hóa của tập hợp nhiều doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, có khu vực quản lý nhà nước về hải quan, thuế, trung tâm kiểm định chuyên ngành, cung cấp chuỗi dịch vụ tích hợp, bao gồm logistics đầu vào (inbound) và đầu ra (outbound), từ dòng nguyên vật liệu đến phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng.

Những việc này thông qua các hoạt động thu mua, lưu kho, bảo quản, vận tải, giao nhận, làm thủ tục hải quan, tập trung container rỗng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác nhau như đóng gói, dán nhãn, chế biến, lắp ráp, thu hồi, là nơi tích hợp nhiều phương tiện và phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không...

Ôtô nhập khẩu tại Cảng Hiệp Phước, TPHCM. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ôtô nhập khẩu tại Cảng Hiệp Phước, TPHCM. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về vị trí trung tâm logistics phải được đặt gần nguồn hàng (nhà máy, xí nghiệp), gần sân bay, cảng biển để tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng phải tránh gây tắc nghẽn giao thông.

Về diện tích nó phải đủ lớn cho khu tích hợp các dịch vụ nêu trên (trung tâm logistics trên thế giới thường có diện tích khoảng 400ha trở lên). Nếu xét đầy đủ các tiêu chí như vậy hiện ở TPHCM chưa có vị trí nào có thể đáp ứng.

Vì vậy chúng ta phải chấp nhận các giải pháp tương đối và cải tạo dần. Việc chọn các ICD hiện hữu như ICD Long Bình, hay cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước... là giải pháp tốt vì tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có (đã đáp ứng được một số tiêu chí trong bộ tiêu chí chuẩn của trung tâm logistics). Tôi nghĩ đây là các phương án khả thi và tiết kiệm nhất nếu chính quyền TP vẫn quyết tâm xây dựng các trung tâm logistics.

- Có ý kiến cho rằng TPHCM trong tương lai không còn là trung tâm xuất nhập khẩu mà trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại. Vậy việc đầu tư nguồn vốn gần trăm ngàn tỷ đồng phát triển ngành logistics có quá nhiều và có nên hay không, thưa ông?

Đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TPHCM đến năm 2025 đạt 15%, năm 2030 đạt 20%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP năm 2025 đạt 10% và lên 12% vào năm 2030, qua đó góp phần kéo giảm chi phí logistics bình quân cả nước xuống còn 10-15% vào năm 2025.

- Cho dù TPHCM sẽ không còn là đầu mối xuất nhập khẩu và trở thành trung tâm dịch vụ thương mại vẫn nên xây dựng các trung tâm logistics, bởi vẫn cần các điểm trung chuyển, phân phối hàng hóa cho một trung tâm kinh tế nhộn nhịp bậc nhất của cả nước.

Nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó để TPHCM thoát khỏi vị trí trung tâm xuất nhập khẩu hàng đầu cả nước vì có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đóng trên địa bàn TP với hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này không dễ di dời sang địa phương khác trong thời gian ngắn, nên nhu cầu về logistics vẫn còn.

Còn về nguồn vốn, thật khó để đánh giá có nên đầu tư hay không? Theo đề án tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TPHCM vào khoảng 95.800 tỷ đồng. Số tiền này cần làm rõ đầu tư cho hạng mục cụ thể nào và phải có hội đồng thẩm định mới đánh giá chính xác. Nhưng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho trung tâm logistics đúng chuẩn cần số tiền không hề nhỏ.

- Đề án có nhắc đến việc đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics. Theo ông giải pháp nào hiệu quả để giải bài toán này?

- Đúng là nguồn nhân lực logistics hiện nay còn rất thiếu, vì số lượng trường đại học có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về logistics vẫn rất ít. Hiện doanh nghiệp trong ngành logistics đang tuyển nhân sự từ các ngành ngoại thương, xuất nhập khẩu, kinh doanh quốc tế… Đây là các ngành gần với ngành logistics nhất từ các trường đại học.

Theo tôi, giải pháp cho bài toán nhân lực ngành logistics là các công ty logistics cần nhiệt tình hơn nữa trong việc phối hợp đào tạo với các trường đại học trong lĩnh vực này, nhằm giúp xóa dần khoảng cách giữa thực tiễn và hàn lâm.

Các cảng biển, sân bay cần mở rộng vòng tay tiếp nhận sinh viên các trường đại học đến tham quan, thực tập thường xuyên. Các hiệp hội logistics, cảng biển cần có nhiều chính sách hỗ trợ các trường đại học trong công tác đào tạo. Các trường cũng cần mở thêm ngành đào tạo về logistics để đáp ứng nhu cầu dự báo còn phát triển mạnh trong tương lai của lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn ông.

Nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics TPHCM

- Đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ; phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng của TP với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, với mạng lưới đường sắt quốc gia và các tuyến vận chuyển xuyên biên giới.

- Tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TPHCM ra Cái Mép - Thị Vải, luồng sông Lòng Tàu qua vịnh Gành Rái. Phát triển hệ thống ICD theo quy hoạch nhằm thay thế và thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics của TP.

- Thành lập hệ thống trung tâm logistics tại 7 vị trí, gồm Long Bình, Cát Lái, Khu công nghệ cao (quận 9), Linh Trung (quận Thủ Đức), Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và tại huyện Củ Chi với tổng diện tích giai đoạn 2025-2030 khoảng 270-623ha.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, chú trọng kỹ năng nghề. Định hướng đào tạo kỹ năng nghề theo dự báo về nhu cầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics.

Thanh Lâm (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tphcm-co-nen-dau-tu-trung-tam-logistics-87341.html