TPHCM có nhiều cơ hội hợp tác quốc tế trong hành trình chuyển đổi xanh

Tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) năm 2023, đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới khẳng định 'trong quá trình chuyển đổi xanh này chúng ta không đứng một mình mà đi cùng nhau'.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) năm 2023 ngày 15/9, ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có những chia sẻ về xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị.

 Các khách mời tham dự Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2023

Các khách mời tham dự Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2023

Ông Jeremy Jurgens ví các thành phố là “trung tâm phát thải” bởi có hơn 50% dân số thế giới đang sống với lượng phát thải chiếm 70%. Những con số này sẽ còn tăng lên trong tương lai. Do vậy cần phải có giải pháp giảm tác động tiêu cực từ việc này.

Ông Jeremy Jurgens nêu ra một số sáng kiến mà WEF đang áp dụng trong mạng lưới của mình. Đó là các sáng kiến về Thành phố Net-zero (Net-zero carbon cities) – nơi mà Chính phủ và doanh nghiệp hợp tác hướng đến tương lai xanh hơn. Cùng với đó là sáng kiến về Nông nghiệp chính xác (Precision Agriculture), giúp nông dân tiếp tục canh tác bền vững, góp phần xanh hóa kinh tế, với những số liệu ấn tượng về lượng phát thải giảm, tiết kiệm nước sạch 5-10% trong khi năng suất tăng 10%.

Ngoài ra còn có một sáng kiến rất quan trọng là Sản xuất tiên tiến (Advanced Manufacturing), bởi ngành công nghiệp đang tham gia 30% vào phát thải CO2.

Lãnh đạo WEF cho biết, mạng lưới này sẽ giúp các quốc gia học tập lẫn nhau để áp dụng công nghệ chuyển đổi một cách có trách nhiệm, đối mặt với những thách thức về kinh tế. Theo đó, ông khẳng định sẵn sàng hợp tác với TPHCM để mở rộng mạng lưới, cùng TPHCM bước đi vững chắc trên hành trình xanh hóa.

 HEF 2023 có sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ 21 quốc gia

HEF 2023 có sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ 21 quốc gia

Nhấn mạnh mối quan hệ ngoại giao hơn 50 năm qua giữa hai nước Việt Nam và Bỉ, ông Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất Vùng Flanders (Bỉ) khẳng định, trong quá trình chuyển đổi xanh này chúng ta không đứng một mình mà đi cùng nhau.

“Suốt thời gian qua, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực; thể hiện rõ nét một nền kinh tế năng động, sáng tạo. Đối với vùng Flanders có ngành công nghiệp hóa dầu lớn và Bỉ cũng phải đối diện với những áp lực về môi trường", ông Jan Jambon nêu.

Địa phương này đang nỗ lực dành một lượng lớn GDP cho đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… Thông qua công nghệ từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác các loại thải ra môi trường. Trên hết, các yếu tố gồm chính sách, cơ chế bền vững sẽ giúp cho quá trình giảm phát thải ròng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từng bước đạt hiệu quả; góp phần truyền cảm hứng cho các quốc gia, các vùng, lãnh thổ trên thế giới…

Trong bài tham luận của mình, ông Yasuo Takahashi, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) khẳng định "mục tiêu của chúng ta giống nhau, đó là tiến tới giảm lượng phát thải ròng về 0".

Theo ông Yasuo Takahashi, để giảm sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu, không chỉ quan trọng đối với khu vực, mà còn rất quan trọng đối với toàn thế giới. Điều này đòi hỏi nhiều yếu tố thay đổi trong chính sách tài chính, tiến bộ công nghệ và mang lại cơ hội lớn cho sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nhật Bản đặt ra nhiều kịch bản cho việc giảm phát thải ròng, trong đó có kịch bản khử được khoảng 80% lượng CO2 thì người dân vẫn cần phải sử dụng các loại năng lượng khác, gây ảnh hưởng đến môi trường.

“Ở Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…”, ông Yasuo Takahashi cho biết.

Về phía mình, bà Tôn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân TP Thượng Hải (Trung Quốc) trình bày tham luận Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp.

Là một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vận tải quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ, Thượng Hải cũng đồng thời là một thành phố xanh, thấp carbon và thân thiện với môi trường. Chuyển đổi xanh và thấp carbon đối với Thượng Hải có ý nghĩa to lớn trong việc giảm nhiệt độ toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện phát triển bền vững. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ nỗ lực để đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060.

“Trong 10 năm qua, nồng độ hàng năm trung bình của PM2.5 tại Thượng Hải đã giảm từ 62 microgram mỗi mét khối xuống còn 25 microgram mỗi mét khối”, bà Tôn Minh nói. Bà cho biết thành phố này đã thúc đẩy sự chuyển đổi xanh và thấp carbon chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, môi trường, giao thông và xã hội tái chế.

Theo bà Tôn Minh, từ khi Thượng Hải và TPHCM trở thành thành phố kết nghĩa vào năm 1994, hai bên đã tiến hành trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại và kinh doanh, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. "Hai bên có nhiều khả năng hợp tác trong việc chuyển đổi xanh và thấp carbon trong tương lai. Chúng ta hãy cùng làm việc và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xanh và thấp carbon”, vị đại biểu đến từ Thượng Hải gợi mở.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tphcm-co-nhieu-co-hoi-hop-tac-quoc-te-trong-hanh-trinh-chuyen-doi-xanh-post264730.html