TPHCM công bố quy hoạch phát triển ngành thương mại

Ngày 22-6, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các sở ngành chức năng đã công bố Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng năm 2030. Đây là bản quy hoạch ngành đầu tiên của TPHCM được phê duyệt và ban hành theo Quyết định 1891/QĐ-UBND ngày 8-5-2018 của UBND TPHCM.

Theo đó, ngành thương mại TP được quy hoạch dựa trên 4 lĩnh vực cốt lõi, bao gồm xuất khẩu; hậu cần (logistics); hội chợ triển lãm và lĩnh vực bán buôn - bán lẻ, được xác định có nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sớm đưa TP trở thành trung tâm thương mại trọng yếu ở khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8,55% đến 11,53%/năm; giai đoạn năm 2021 - 2025 từ 10,89% đến 14,02%/năm; giai đoạn năm 2026 - 2030 từ 6,82% đến 9,06%/năm.

TPHCM cũng quy hoạch tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%.

Ngoài ra, sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP giai đoạn từ nay đến năm 2020, trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong định hướng phát triển ngành thương mại, TP xác định lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng tạo sự ổn định, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành thương mại TP; bán buôn và bán lẻ là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên giúp tạo nên vị thế “đầu tàu” cho ngành thương mại TP cũng như cả nước, do đó TP tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống phân phối gắn kết với phát triển du lịch.

Trong đó, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối TP mở rộng hệ thống điểm bán, sớm hình thành các tập đoàn thương mại tầm cỡ trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. Đồng thời, kêu gọi các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Riêng mạng lưới chợ, TP sẽ không xây dựng mới trong khu vực nội thành. Đối với các chợ hiện hữu sẽ đề ra các giải pháp hoàn thiện các công trình phụ trợ (bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng…) và nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng chợ đã xuống cấp.

Đồng thời, phát huy hết công suất hoạt động của các chợ hiện hữu; tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác; rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ đối với những chợ hoạt động không hiệu quả.

Nhằm đảm bảo chợ hoạt động ổn định, tránh xáo trộn trong thời gian chuyển tiếp giữa Pháp lệnh phí và lệ phí trước đây với Luật Giá mới ban hành, Sở Công thương TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TP thông qua và ban hành quyết định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.

Trong đó, đề xuất mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trên địa bàn TP (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) không quá 200.000 đồng/m2/tháng.

Đối với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, có thể áp dụng mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đối với các chợ truyền thống cao hơn mức thu được quy định tại quyết định này, nhưng tối đa không quá 2 lần mức thu của chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Căn cứ trên quyết định của UBND TPHCM ban hành, UBND các quận, huyện sẽ ban hành quyết định mức giá cụ thể của từng chợ trên địa bàn trong thời gian tới.

Để thực hiện những nội dung trên, TP dự kiến thực hiện 5 nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ thương mại, nguồn vốn, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước.

Trong đó, nguồn lực chính (nhân lực - vật lực) phát triển ngành thương mại sẽ được huy động chủ yếu từ khối dân doanh; cơ quan nhà nước chỉ định hướng phát triển để tập trung làm tốt trách nhiệm kiến tạo, củng cố môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, TPHCM sẽ thực hiện 8 đề án, chương trình nhánh (bao gồm Quy hoạch Định hướng phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình nâng cấp, sửa chữa mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020; Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hệ thống phân phối; Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030; Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến 2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TPHCM 2016 - 2020; Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ và Chương trình Bình ổn thị trường) để triển khai quy hoạch một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất.

THÚY HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-cong-bo-quy-hoach-phat-trien-nganh-thuong-mai-528092.html