TPHCM khẩn trương rà soát, giải quyết án tồn đọng, tạm đình chỉ
Các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng TPHCM đã nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, hạn chế đến mức thấp nhất án bị trả hồ hủy, sửa do lỗi chủ quan. Đồng thời, tập trung thực hiện việc rà soát giải quyết án còn tồn đọng, tạm đình chỉ...
Chiều 15-2, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, kết quả công tác cải cách tư pháp TPHCM năm 2022 và triển khai chương trình làm việc năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM chủ trì.
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM cùng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM tham dự.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Kim Hiếu, Phó Trưởng Ban Nội Chính Thành ủy TPHCM, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Năm qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp thành phố hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu do ngành cấp trên giao, các nội dung được phân công trong chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM năm 2022. Qua đó góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh xã hội trên địa bàn TPHCM.
Các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của TPHCM tiếp tục quan tâm thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức; duy trì nề nếp việc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
Đồng thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị gắn với tinh thần cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, hạn chế đến mức thấp nhất án bị trả, hủy, sửa hồ sơ do lỗi chủ quan.
Ngoài ra, tập trung thực hiện việc rà soát giải quyết án còn tồn đọng, tạm đình chỉ; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, trại tạm giam, nhà tạm giữ, kho vật chứng, mua sắm trang thiết bị làm việc, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Năm qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ; qua đó đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu, nhiệm vụ do ngành cấp trên giao. Trong đó, tỷ lệ kiến nghị trong công tác thi hành án hình sự, thi hành án dân sự của VKSND hai cấp đạt 100%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự đạt 91,5% (vượt 21,5%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động đạt 81% (vượt 11%) chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Cục Thi hành án dân sự TPHCM thi hành xong về việc và tiền vượt chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM đánh giá còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM nêu nhiều nội dung, kết quả. Trong đó, năm 2022, Hội Luật gia TPHCM và Hội Luật gia các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, duy trì nền nếp hoạt động. Cùng với đó tổ chức tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hơn 30.400 trường hợp là các đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc…. Các lĩnh vực tư vấn và trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực hôn nhân gia đình, lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp mất việc….
Ngoài ra, Hội Luật gia TPHCM và Hội Luật gia các cấp còn tư vấn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 828.200 lượt người tham dự; cấp phát hơn 982.000 tài liệu tuyên truyền; rà soát 922 văn bản của cơ quan hành chính các cấp, sở ban ngành, cơ quan đơn vị.
Bên cạnh đó, tham gia hòa giải thành công 7.188/9.104 vụ; tham gia 874 cuộc giám sát về thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM; tư vấn, tham gia cùng cơ quan hành chính các cấp, các cơ quan đơn vị giải quyết 837 vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Trong năm 2022, các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện 2.226 cuộc đấu giá, nộp ngân sách nhà nước 1.893 tỷ đồng. TPHCM hiện có 64 tổ chức đấu giá tài sản gồm Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và 63 doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Năm qua, TPHCM cũng đã hỗ trợ kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ và bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án của cơ quan tư pháp để đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…
Cũng trong năm qua, số tiền thi hành án là hơn 126.000 tỷ đồng, trong đó số thụ lý mới là hơn 36.100 tỷ đồng, tăng hơn 10.200 tỷ đồng so với năm 2021.