TPHCM: Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ

Sáng 8/5, UBND TPHCM tổ chức hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025, đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi

Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết tình hình kinh tế - xã hội thành phố trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt sản xuất công nghiệp đạt mức tăng cao nhất trong 4 năm qua, trong khi hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư công cũng ghi nhận những điểm sáng rõ nét.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM

Tổng thu ngân sách đạt hơn 202.000 tỷ đồng, tăng 3,8%. Trong đó, thu nội địa tăng 3,7%, thu từ xuất nhập khẩu tăng 7,5%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,32%, bình quân 4 tháng tăng 4,21%, chủ yếu do giá điện, dịch vụ ăn uống và nhà ở thuê tăng.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 4 tăng 6,6% so với tháng trước và 10,8% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, IIP tăng 7,9% - mức cao nhất kể từ năm 2021. Các ngành có mức tăng nổi bật gồm: sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+41,4%), in ấn (+58,6%) và thiết bị điện (+25,2%). Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,6% trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho tăng 23,9%, đặc biệt ở các ngành sản xuất kim loại và điện tử.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm 2025 ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 17,9% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 444.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành lưu trú - ăn uống tăng tới 42,2%, dịch vụ lữ hành tăng 38,2%.

Trong tháng 4, TP.HCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm như: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, bệnh viện Hóc Môn và thông xe kỹ thuật cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 4 tăng 110,3% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu đi lại dịp lễ 30/4 - 1/5. Các sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng góp phần kích cầu tiêu dùng và du lịch.

Vốn đầu tư FDI vào TP.HCM 3 tháng đầu năm đạt 1,425 tỷ USD, tăng 78,2%. Trong đó, vốn cấp mới tăng hơn 265%, chủ yếu tập trung vào bất động sản, công nghiệp và thương mại. Singapore dẫn đầu danh sách các quốc gia đầu tư vào TP.

Đáng chú ý, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của thành phố vươn lên vị trí 21, tăng 12 bậc so với năm trước. Thành tích này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của thành phố.

Ưu tiên tháo gỡ các nút thắt cho các dự án lớn

Dù kinh tế đạt được nhiều “điểm sáng” nhưng vẫn còn một số thách thức. Theo đó TP.HCM được giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 là 85.500 tỷ đồng, đặt mục tiêu giải ngân đạt 95% và phấn đấu 100%. Tuy nhiên, đến ngày 29/4, TP mới giải ngân được 6.068 tỷ đồng, đạt 7,2% kế hoạch.

Tại cuộc họp, lãnh đạo TP cho rằng tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm. Do đó, thời gian tới cần tập trung tháo gỡ thủ tục cho các dự án lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thời gian qua, TP đã tổ chức 7 cuộc họp về đầu tư công và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, ban hành 21 văn bản chỉ đạo liên quan đến đầu tư công.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị cần tập trung tháo gỡ thủ tục cho các dự án lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị cần tập trung tháo gỡ thủ tục cho các dự án lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Sở Tài chính cũng tổ chức nhiều cuộc họp với ban quản lý dự án, quận huyện, chủ đầu tư để xác định cụ thể từng vướng mắc khó khăn, báo cáo UBND TP.HCM xử lý. Trong đó, tập trung giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án lớn có khả năng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công như: Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường trục Bắc Nam từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 13. Bốn dự án BOT này có tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó là 2 dự án cải tạo rạch Văn Thánh với 5.561 tỉ đồng và cầu đường Bình Tiên với 871 tỉ đồng. Ngoài ra là 9 dự án có quy mô lớn có kế hoạch giải ngân trong năm khoảng 16.873 tỉ đồng. Trong đó có dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự kiến tháng 6 sẽ giải ngân được 4.000 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP.HCM TP.HCM đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ triển khai trong tháng 5. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 8,5% theo chỉ tiêu của Chính phủ giao, thậm chí nỗ lực cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Đồng thời yêu cầu các sở, ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ. Tăng cường giám sát giá cả, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ, công nghiệp chế biến và logistics.

Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, giữ vững

Trong tháng 4 Công an TP đã phát hiện, xử lý 185 vụ với 578 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; khởi tố 125 vụ, 376 bị can, xử lý hành chính 36 vụ, 106 đối tượng...

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội: Ghi nhận xảy ra 630 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đã khám phá nhanh 246 vụ và bắt 513 đối tượng.

CATP đã phát hiện và xử lý 30 vụ, 26 tổ chức, 04 cá nhân vi phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu. Đã khởi tố 13 vụ, 56 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ, 16 cá nhân, 21 tổ chức. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp liên quan các mặt hàng thiết yếu, y tế gây bất ổn thị trường.

Về cháy nổ đã xảy ra 21 vụ cháy, giảm 46,2% so với cùng kỳ và làm chết 04 người, bị thương 02 người (trong đó 11 vụ chưa thống kê được thiệt hại). Nguyên nhân gây cháy vẫn chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện...

Thanh Minh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tphcm-kinh-te-tiep-tuc-da-tang-truong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cham-tien-do_177751.html