Ứng phó với thuế của Mỹ: Doanh nghiệp Việt cần minh bạch xuất xứ hàng hóa

Về lâu dài, để ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, doanh nghiệp Việt cần giải quyết vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng lên nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang mở ra những thay đổi đáng chú ý trong quan hệ kinh tế song phương. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để Việt Nam thay đổi chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.

Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 8-5.

 Toàn cảnh tọa đàm “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”. Ảnh: MINH TRÚC

Toàn cảnh tọa đàm “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”. Ảnh: MINH TRÚC

Cần minh bạch xuất xứ hàng hóa

Theo PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), để thích ứng với chính sách thuế quan này, các giải pháp của Việt Nam cần hướng đến bốn mục tiêu. Đó là, giảm thiểu tác động tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế và chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đưa ra giả định Việt Nam có thể đạt được kết quả đàm phán mức thuế khoảng 10%, ông Nghị cho rằng đây là thành công, nhưng mức thuế này vẫn ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Do đó, trong thời gian tới, để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần những đối sách “khôn ngoan”, đa dạng hóa thị trường và tăng cường hợp tác để chủ động ứng phó với những biến động thị trường.

Trong đó, cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trong đó, phải chứng minh được tỷ lệ phần trăm giá trị xuất xứ trong nước và giá trị có nguồn gốc từ Trung Quốc hay ASEAN. "Việc này nhằm giúp đàm phán đạt được mức thuế suất phù hợp, giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển nhưng không đứt gãy chuỗi cung ứng”, PGS.TS Phan Hữu Nghị nhấn mạnh.

Ông Nghị dẫn chứng, Mỹ vừa áp thuế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước ASEAN đến 3,521% là điển hình cho minh bạch chuỗi cung ứng, bởi tiếp theo pin năng lượng có thể là gỗ, thép, xe điện, hàng điện tử gia dụng, dệt may... Vì thế, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng xuất xứ trong nước hay trong khối ASEAN rất được coi trọng trong đàm phán.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, nhất là nguyên liệu nguồn gốc từ Trung Quốc hay ngoài ASEAN phải nghiên cứu chuyển đổi trong sản xuất nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ và không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Một giải pháp khác là rà soát chi tiết danh mục hàng hóa có thể cắt giảm thuế với Mỹ để hướng đến cân bằng thương mại. Cần gắn nội dung này với lợi thế so sánh của Việt Nam để hậu đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trước đó Việt Nam đã tham gia và Việt Nam không bị kéo vào các vòng đàm phán thương mại với các đối tác thương mại khác.

Ngoài ra, trong ngắn hạn, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng. “Mức hỗ trợ cần tính toán để có thể bù đắp phần lớn thiệt hại sau khi bị áp thuế,” ông Nghị nhận định.

Về phía các doanh nghiệp, ông Nghị lưu ý, cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa, truy xuất chuỗi cung ứng. Đây cũng là vấn đề được Mỹ đề cao khi so sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá trình đàm phán. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng từng bước cần đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đa dạng hóa đầu vào, tránh những rủi ro về xuất xứ

Kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài đội lốt

Đề cập đến việc điều chỉnh chính sách thương mại trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng, PGS.TS Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, Việt Nam cần rà soát lại nhóm hàng xuất siêu sang Mỹ và đàm phán làm giảm áp lực về thuế vào nhóm hàng này.

"Ngoài ra, cần kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài đội lốt xuất siêu sang Mỹ, còn lại sẽ đảm bảo những ưu đãi về thuế đã cam kết và chia sẻ gánh nặng thuế nếu có thể", ông Lợi nhấn mạnh

Khẳng định việc Mỹ áp thuế quan mới vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh chiến lược, với tinh thần vươn mình. Ngoài ra, còn là cơ hội để cơ cấu lại cả quan hệ kinh tế đối ngoại với các quốc gia khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra, mấu chốt của vấn đề là việc tăng cường nội lực của Việt Nam chưa cao.

Do đó, bà Phạm Chi Lan đề nghị, cần tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung xem xét ngành nào nên ưu tiên tập trung phát triển. Đồng thời, có chiến lược hợp tác dài hạn với cả Mỹ và Trung Quốc, tránh tình trạng “bỏ trứng vào 1 giỏ” và tăng cường hợp tác thương mại với các quốc gia khác để cân bằng thương mại.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/ung-pho-voi-thue-cua-my-doanh-nghiep-viet-can-minh-bach-xuat-xu-hang-hoa-post848676.html