TPHCM lo vì sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp
Kinh tế TPHCM trong 8 tháng vừa qua phục hồi tích cực nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp ở một số ngành sản xuất trọng điểm tăng trưởng khá thấp so với trước thời điểm dịch bệnh xảy ra. Thậm chí, một số ngành còn bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất công nghiệp thành phố còn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất và thị trường xuất khẩu sụt giảm do lạm phát tăng cao.
Theo thông tin của bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong tháng 8 vừa qua, các lĩnh vực kinh tế TPHCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc, nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.
Đáng chú ý hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 0,5% so với tháng trước.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 9-2022 của UBND TPHCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cung cấp thêm nhiều số liệu cho thấy kinh tế thành phố đã phục hồi.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 14,8%. Trong đó, 4 ngành kinh tế trọng yếu, gồm sản xuất hàng điện tử; hóa dược – cao su – nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ. Qua khảo sát, 77% doanh nghiệp cho biết đang phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, theo phân tích của Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp nếu so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch do Covid-19 thì thành phố chỉ tăng được 1,2%. “Đây là mức thấp, một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn còn tăng chậm”, ông Hoàng nói.
Theo ông, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào. Tình hình lạm phát ở các nước ảnh hưởng xấu đến sản xuất công nghiệp toàn cầu và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Tương tự, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thị trường công nghiệp toàn cầu đang khó khăn khiến các ngành có tỷ trọng lớn của thành phố bị ảnh hưởng.
Ông dẫn chứng, ngành điện – điện tử và máy tính trong ba tháng liên tiếp vừa qua đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái và kỳ gành này sẽ tăng trưởng dương trong tháng 9 này, tạo tiền đề cho chỉ số chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố tăng trưởng.
Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, giá trị sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động tại Khu Công nghệ cao TPHCM trong 8 tháng bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Vũ, trong tháng 9 và đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố các giải pháp để phát triển thị trường công nghiệp.
“Sở Công Thương sẽ tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp, tổ chức diễn đàn nhịp cầu ASEAN, diễn đàn lĩnh vực logictics kết nối cung cầu. Chúng tôi kỳ vọng, trong thời gian tới hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng”.
Tại cuộc họp nói trên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cũng cho rằng các yếu tố rủi ro từ nay đến cuối năm của trong nước cũng như thế giới như dịch bệnh, lạm phát, chuỗi cung ứng gặp khó khăn sẽ tác động đến TPHCM. Điển hình là sản xuất công nghiệp chưa phục hồi nhanh, thậm chí có xu hướng “đi ngang” do bị ảnh hưởng bởi các tác động của thị trường thế giới. Các hoạt động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có xu hướng giảm như giá trị sản xuất, xuất khẩu.
TPHCM xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.
Hùng Lê
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-lo-vi-san-xuat-cong-nghiep-tang-truong-thap/