TPHCM: Mạnh tay xử lý thực phẩm 'bẩn', không rõ nguồn gốc cả trên không gian mạng

Lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM đang thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan mặt hàng lương thực, thực phẩm, sữa, dược phẩm trên cả thị trường truyền thống và các sàn thương mại điện tử trên không gian mạng.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương TP.HCM cho biết tại buổi họp báo định kỳ hàng tuần về tình hình kinh tế xã hội do Ban Tuyên giáo Dân vận và Trung tâm Báo chí TP.HCM tổ chức chiều 14/5.

Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM

Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn đang là mối lo ngại lớn với nhiều diễn biến phức tạp. Các mặt hàng vi phạm rất đa dạng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói sẵn, đường cát, yến sào, nội tạng động vật, thậm chí cả thực phẩm chức năng.

Lực lượng QLTT TP thời gian qua đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng như phạt 25 triệu đồng đối với vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc; Tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh tại TP. Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỷ đồng, xử phạt 315 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ; Phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12 và hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Gần đây vào ngày 14/5, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện các điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây và quận 8 đang bán yến sào, bột thực phẩm không rõ nguồn gốc với trị giá hàng chục triệu đồng.

Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để kiểm soát thực phẩm từ nơi sản xuất đến điểm bán. Một trong những biện pháp nổi bật là tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm, tổ chức các đợt kiểm tra cao điểm, phối hợp liên ngành với Công an, Y tế, An toàn thực phẩm… Đồng thời, duy trì đường dây nóng để người dân phản ánh vi phạm.

Đặc biệt, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” được triển khai từ tháng 3/2024 nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm có thể truy xuất rõ nguồn gốc. Nhiều hệ thống bán lẻ và nhà cung cấp lớn đã tham gia chương trình này. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh, như chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa với tỉnh Đồng Nai – nơi cung cấp nguồn thịt gia súc, gia cầm chủ lực cho Thành phố.

Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phát hiện

Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phát hiện

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết thêm thương mại điện tử là môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường, từ năm 2024 đến tháng 5/2025, TP.HCM đã xử lý 393 vụ vi phạm TMĐT, tạm giữ gần 129.000 sản phẩm (trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm...) trị giá hơn 8,8 tỷ đồng, xử phạt trên 8 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không khai báo hoạt động kinh doanh với cơ quan quản lý, và quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, ngành chức năng đang đối mặt với nhiều khó khăn như các đối tượng ẩn danh, không đăng ký kinh doanh, dùng tài khoản ảo, mạng xã hội để giao dịch.

Sở Công Thương TP.HCM đã chỉ đạo lực lượng QLTT mở đợt tấn công cao điểm từ 15/5 đến 15/6 để đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Sở Công Thương kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định rõ hơn về truy xuất nguồn gốc, điều kiện kinh doanh, và tăng mức chế tài xử phạt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng sản phẩm….

Thanh Minh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/tphcm-manh-tay-xu-ly-thuc-pham-ban-khong-ro-nguon-goc-ca-tren-khong-gian-mang_178046.html