TPHCM: Môn Ngoại ngữ có phổ điểm cao nhất trong 3 môn thi tuyển sinh lớp 10
Ngày 18-6, Hội đồng chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại TPHCM đã kết thúc công tác chấm thi, bắt đầu công đoạn so dò và lên điểm chính thức cho khoảng 96.000 thí sinh tham gia kỳ thi.
Qua thống kê sơ bộ, năm nay, phổ điểm 3 môn thi gồm Ngữ văn, Toán và tiếng Anh không biến động nhiều so với năm học trước.
Trong đó, với môn Toán, số bài thi đạt điểm trên trung bình chiếm gần 55%, phổ điểm tập trung ở mức 5-7 điểm, số bài thi đạt điểm 10 ít hơn năm trước. Với môn Ngoại ngữ, có khoảng 32% bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên), trong đó khoảng 2,2% bài thi đạt điểm 10. Đây cũng là môn thi có số lượng bài thi từ 8 điểm trở lên cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Riêng môn Ngữ văn, khoảng 90% bài thi đạt điểm trên trung bình, trong đó có 12% bài thi đạt từ 8 điểm trở lên. Hội đồng chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 cho biết, số bài thi bị điểm 0 hai môn Ngữ văn và Toán năm nay giảm so với kỳ thi tuyển sinh năm học 2022-2023.
Theo kế hoạch, ngày 20-6, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10. Thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo từ ngày 21-6 tại trường THCS nơi học lớp 9. Ngày 24-6, Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, tích hợp và danh sách thí sinh được tuyển thẳng. Từ ngày 11-7 đến 1-8, thí sinh trúng tuyển lớp 10 công lập nộp hồ sơ nhập học tại trường đã trúng tuyển.
- Những ngày gần đây, thông tin về việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học thu hút sự quan tâm của xã hội.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT lý giải, việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018. Cụ thể, Luật Giáo dục đại học 2012 quy định “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại, việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT.
Theo Bộ GD-ĐT, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các chương trình chất lượng cao. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.