TPHCM: Nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc
Chiều 14/6, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình 'Công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TPHCM'. Bà Nguyễn Thị Lệ- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì phiên giải trình.
Kiến nghị nhà thuốc tư nhân được cấp phát thuốc cho người có thẻ BHYT
Báo cáo tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, để công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố ngày một tốt hơn, Sở Y tế kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược, trong đó cần bổ sung các loại hình kinh doanh dược phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội (kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc); sửa đổi các qui định về thủ tục đăng ký thuốc để rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc mới đăng ký lần đầu, theo hướng tham chiếu kết quả thẩm định, cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý được chặt chẽ (SRA); sửa đổi quy định về gia hạn số đăng ký thuốc tự động trong trường hợp thuốc đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong quá trình lưu hành và không có báo cáo phản ứng có hại nghiêm trọng….
Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 15/2011/TT-BYT qui định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện; Thông tư 23/2011/TT-BYT hướng dẫn sử dụng thuốc trong cơ sở y tế có giường bệnh; Thông tư 22/2011/TT-BYT quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện để cập nhập theo các qui định hiện hành.
Phối hợp với BHXH Việt Nam sửa đổi quy định về thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT: tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh trong quá trình mua sắm, bảo quản, cấp phát thuốc tại cơ sở y tế.
Bổ sung qui định nhà thuốc tư nhân được liên kết với cơ sở y tế trong việc cấp phát thuốc cho người có thẻ BHYT để tăng cường khả năng cung ứng thuốc, giảm áp lực cho cơ sở y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nhận thuốc.
Nghiên cứu thành lập Trung tâm dự trữ thuốc quốc gia đối với các thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt để đảm bảo công tác cung ứng thuốc trên toàn quốc kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm chi phí…
Trong năm 2022, 2023 qua công tác thanh kiểm tra tại 8.741 doanh nghiệp bán buôn, nhà thuốc trên địa bàn, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiểm tra được 261 cơ sở; qua đó, phát hiện 117 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 3,2 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 4 cơ sở; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 9 cơ sở và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược 1 cơ sở.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 279 vụ vi phạm; tang vật vi phạm bao gồm gần 365.000 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ, hộp) dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, trị giá gần 14 tỷ đồng; số tiền thu nộp ngân sách trên 5,7 tỷ đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND Thành phố trên cơ sở thực tiễn, đánh giá, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật; rà soát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo; cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định trong pháp luật về: Luật Dược, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc; quy định về giá thuốc; các quy định trong quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội; các quy định về đối chiếu, kiểm soát chất lượng thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng; việc thanh toán BHYT; bổ sung danh mục thuốc BHYT tại Trạm Y tế; bổ sung hoạt chất mới được thanh toán BHYT; việc nâng cao, hoàn chỉnh các ứng dụng, phần mềm quản lý dữ liệu cấp Trung ương….
TP tập trung giải pháp, nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển công nghiệp dược TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo từng giai đoạn lộ trình cụ thể.
Quản lý có hiệu quả hệ thống sản xuất, phân phối thuốc, cung ứng thuốc; chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp tốt với các địa phương khắc phục hiệu quả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP trong thời gian qua.
Cụ thể, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu dược liệu khi có dấu hiệu nghi vấn để phát hiện vi phạm và ngăn chặn dược liệu có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm trong nước vận chuyển ra nước ngoài…