TPHCM: Nhiều giải pháp hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

SKĐS – Hiện lây nhiễm HIV ở TP.HCM tăng chủ yếu qua đường quan hệ tình dục, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Lây nhiễm HIV khá cao trong nhóm MSM trẻ

ThS. Lương Quốc Bình, Phó trưởng khoa PC HIV/AIDS- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết: Qua giám sát trọng điểm tại TP.HCM trong các năm 2016 - 2017- 2018 và 2020 cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV trên nhóm MSM khá cao (13% -17% -13.8% và 14.7% tương ứng), tập trung ở nhóm MSM có độ tuổi trẻ từ 25 đến 30 tuổi.

ThS. Lương Quốc Bình, Phó trưởng khoa PC HIV/AIDS- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM.

ThS. Lương Quốc Bình, Phó trưởng khoa PC HIV/AIDS- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM.

Để ứng phó với HIV/AIDS, thành phố đã:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường công tác dự phòng cho cộng đồng và dựa vào cộng đồng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội nhằm xây dựng ý thức đúng về nguy cơ lây truyền HIV, viêm gan B; C, qua đó có ý thức phòng ngừa HIV.

- Đa dạng hình thức truyền thông, tiếp cận và tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao sử dụng các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV...

- Cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc, sinh phẩm và vật dụng can thiệp phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Mở rộng hình thức xét nghiệm HIV nhằm phát hiện người mới nhiễm HIV, can thiệp bạn tình, bạn chích người nhiễm HIV, kết nối điều trị HIV/AIDS; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

- Đảm bảo hệ thống điều trị HIV/AIDS để bệnh nhân được điều trị liên tục, ổn định, đồng thời gia tăng số lượng bệnh nhân điều trị với 3 hình thức:

Điều trị qua bảo hiểm y tế;
Điều trị qua hệ thống y tế tư nhân
Điều trị miễn phí.

- Đảm bảo hệ thống các phòng khám ngoại trú đủ điều kiện và thực hiện khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT.

- Đảm bảo hệ thống nhân sự hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình hoạt động từ dự phòng (truyền thông, tiếp cận cộng đồng, điều trị methadone, tư vấn xét nghiệm HIV, giám sát, đánh giá) đến điều trị (dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS): Điều trị ARV trong ngày; khám chữa bệnh, xét nghiệm cận lâm sàng qua BHYT; các chỉ số cải tiến chất lượng; phối hợp Lao/HIV; các bệnh đồng nhiễm (HIV/viêm gan C), đồng diễn (các bệnh không lây) các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Giải pháp đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS

Đa dạng hình thức truyền thông, tiếp cận và tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao sử dụng các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, bao gồm tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)….

Theo ThS. Lương Quốc Bình hiện thành phố đặt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025, hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

95% thứ nhất: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình
95% thứ 2: 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV
95% thứ 3: 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Tính đến 31/12/2021, mục tiêu thứ nhất thành phố đạt 92%; mục tiêu thứ 2 đạt 89%; mục tiêu thứ 3 đạt 98%.

ThS. Lương Quốc Bình cho biết, để thực hiện mục tiêu này hệ thống y tế thành phố tại các tuyến luôn nỗ lực phối hợp cùng nhau triển khai tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng đến điều trị, nhất là đảm bảo việc điều trị methadone, ARV cho bệnh nhân được liên tục trong thời gian giãn cách xã hội; sự vào cuộc hỗ trợ có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế; các tổ chức xã hội, thiện nguyện, tôn giáo; các tình nguyện viên, cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng, các nhóm dựa vào cộng đồng (CBOs);

Đội ngũ nhân viên y tế từ thành phố đến địa phương luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm; sáng tạo ứng phó với tình hình dịch COVID - 19 diễn ra phức tạp… để đảm bảo người bệnh được cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV không bị gián đoạn, không để thiếu thuốc điều trị; đặc biệt là việc cung cấp thuốc điều trị methadone; thuốc ARV (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV -PrEP và điều trị người nhiễm HIV).

Một buổi tập huấn về tư vẫn xét nghiệm HIV.

Một buổi tập huấn về tư vẫn xét nghiệm HIV.

Tuy nhiên, đối tượng nguy cơ hiện nay thay đổi, phần lớn những người có nguy cơ lây nhiễm HIV khó tiếp cận và phần lớn là những người có vị trí, địa vị xã hội, yêu cầu bảo mật cao; nhân sự phòng chống HIV/AIDS hiện nay đang thiếu, nên việc triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn lực/ngân sách chính phủ cho chương trình dự phòng còn hạn chế; còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả nhằm tăng cường phát hiện ca nhiễm mới và can thiệp kiểm soát chuỗi lây truyền HIV; khó khăn trong việc mở rộng điều trị dự phòng, ARV, lao, STI; đảm bảo tính liên tục của điều trị ARV (người tiêm chích ma túy, thanh thiếu niên, người di cư, các dịch vụ tự chi trả…).

Trong năm 2021, TP.HCM phát hiện 4.131 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 3.078 trường hợp có hộ khẩu tại thành phố và 1.053 trường hợp có hộ khẩu ở tỉnh, thành khác; số tử vong do AIDS là 441 trường hợp.

Tính đến cuối năm 2021, thành phố phát hiện lũy tích 68.359 trường hợp nhiễm HIV (trong đó 42.174 trường hợp có hộ khẩu tại TP.HCM và 22.730 ca có hộ khẩu ở tỉnh/TP khác). Lũy tích tử vong do AIDS là 13.392 trường hợp. Số người nhiễm HIV còn sống đang quản lý là 47.173 trường hợp, trong đó có 42.956 trường hợp đang được điều trị ARV.

Mời độc giả xem thêm video:

Phương Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tphcm-nhieu-giai-phap-huong-toi-cham-dut-dai-dich-aids-vao-nam-2030-169220812145631742.htm