TPHCM: Phòng khám mạo danh thương hiệu bệnh viện lớn
Gần đây, một số bệnh viện lớn ở TPHCM liên tục đưa ra cảnh báo tình trạng bị các cơ sở, phòng khám mạo danh thương hiệu để trục lợi.
Thủ đoạn tinh vi
Vừa qua, một số tài khoản mạng xã hội đã sử dụng các hình ảnh, logo, bài đăng và cả các từ khóa liên quan đến Viện Y dược học dân tộc TPHCM để tạo niềm tin với bệnh nhân và trục lợi.
Cụ thể, các trang này quảng cáo thuốc bằng cách giới thiệu loại thuốc này được Viện Y dược học dân tộc sản xuất; quảng cáo đào tạo y học cổ truyền, liên kết không rõ mục đích giữa viện với các đơn vị khác và thu hút bệnh nhân cũng như học viên đăng ký tham gia các khóa học liên quan đến y học cổ truyền.
Các thủ đoạn lừa đảo này ngày càng tinh vi trên mạng xã hội, thậm chí các trang cá nhân còn đăng bài kèm theo các hình ảnh liên quan đến Viện Y dược học dân tộc TPHCM để quảng bá các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc.
Một loạt các trang fanpage, trang web giả ngang nhiên sao chép và đăng tải các bài đăng, logo, hình ảnh của viện. Ngoài ra còn nhận mình là bác sĩ đang công tác tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM để lợi dụng danh tiếng của viện, gây nhầm lẫn và trục lợi.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho biết: “Việc lấy tên tuổi bác sĩ, hình ảnh viện, các sản phẩm thuốc để trục lợi cá nhân, lừa đảo người dùng mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Thậm chí, hành động này còn làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của Viện Y dược học dân tộc TPHCM”.
Tương tự, trong tháng 7/2022, Bệnh viện Quân y 175 liên tục có các cảnh báo về tình trạng nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện này như: “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân.
Không dừng ở đó, một loạt trang fanpage giả mạo ra đời đã “ngang nhiên” sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa của trang fanpage chính thức của bệnh viện. Ngoài ra, còn có một số trang Facebook giả mạo, lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.
Tình trạng này cũng xảy ra với Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi bị hàng loạt cơ sở thẩm mỹ lấy tên là Thẩm mỹ Chợ Rẫy, Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy, bệnh viện lại còn bị giả mạo cả trang fanpage. Hay Viện Pasteur, Bệnh viện Mắt Sài Gòn cũng bị các phòng khám khác lấy tên để đặt tên cho các cơ sở của mình.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn - Chủ nhiệm chính trị của Bệnh viện Quân y 175 khẳng định: “Việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ, đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới tiền mất, tật mang”.
Cần được cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm
Theo luật sư Bùi Thị Lệ Hằng (Đoàn Luật sư TPHCM), xét dưới góc độ pháp lý hành vi mạo danh thương hiệu nói trên có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định của pháp luật.
Cụ thể tại Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Như vậy, tên riêng của các bệnh viện thuộc nhóm tên thương mại và được bảo hộ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, hành vi quảng cáo mạo danh tên bệnh viện, bác sĩ, thì có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo: Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ….
Điều 197 Bộ luật Hình sự về Tội quảng cáo gian dối: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
“Trường hợp việc mạo danh bệnh viện, bác sĩ như một thủ đoạn gian dối, tạo sự tin tưởng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản thì đối tượng vi phạm sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư Hằng nhấn mạnh.
“Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi đánh cắp thương hiệu và pháp luật quyền sở hữu trí tuệ không thuộc thẩm quyền sở. Đơn vị cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào tên cơ sở hoặc công ty trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp đối với công ty, UBND quận huyện cấp đối với hộ kinh doanh. Để tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế TPHCM, người dân có thể truy cập vào đường link https://thongtin.medinet.org.vn. Tại đây sẽ có thông tin của những người hành nghề y, các cơ sở khám chữa bệnh đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động”.