TPHCM quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, những vấn đề mới trong các văn bản của Trung ương rất phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Do đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung các văn bản.
Ngày 31-10, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương do Thành ủy TPHCM tổ chức.
Nhiều nội dung mới trong quản lý cán bộ
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM quán triệt Quy định 100 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản và Quy định 101 của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan, báo chí.
Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, các Quy định 100 và 101 có nhiều điểm mới, đáng chú ý về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cũng như khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản; được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định cũ, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí, xuất bản hiện đại.
Từ những văn bản mới của Trung ương, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu cấp ủy các nhà xuất bản đưa Quy định 100 vào sinh hoạt chi bộ định kỳ, qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, biên tập viên trong việc xuất bản, góp phần xây dựng thị trường xuất bản lành mạnh.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cũng yêu cầu các cơ quan báo chí quán triệt sâu, rộng Quy định 101 đến cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên; đồng thời yêu cầu và giám sát việc sử dụng mạng xã hội phải chính danh; chặt chẽ trong thẩm tra, duyệt bài, khai thác mạng xã hội, quảng cáo…
Hội nghị cũng nghe đồng chí Thái Thị Bích Liên, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM giới thiệu những nội dung quan trọng, cốt lõi của Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu bật những điểm mới của Quy định 114 so với Quy định số 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, Quy định 114 gồm 5 chương, 16 điều quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
So với Quy định 205 trước đây, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong Quy định 114 đã được mở rộng hơn. Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được nêu trong Điều 3 của Quy định 114 đã được bổ sung một số hành vi mới, bao gồm: lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh đó, Quy định 114 cũng quy định 6 hành vi chạy chức, chạy quyền trên cơ sở kế thừa Quy định 205, có bổ sung hành vi mới. Đó là, chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Dịp này, đồng chí Lê Thị Hờ Rin, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cũng đã quán triệt, triển khai Quy định 117 của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM quán triệt, triển khai Kết luận số 58 của Bộ Chính trị về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Phát huy vai trò nêu gương
Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, những vấn đề mới trong các văn bản mới của Trung ương rất phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Do đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung các văn bản; nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản trên một cách hiệu quả.
Để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, nắm vững tư tưởng chỉ đạo tại các quy định, kết luận vừa được triển khai, gắn với các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định, hướng dẫn.
Đối với những vấn đề, nội dung có liên quan đến địa phương, đơn vị cần phải kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện đúng quy định, chặt chẽ, hiệu quả và sát với yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Đi vào từng văn bản cụ thể, đối với Quy định 114 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể cá nhân trong từng khâu công tác cán bộ, phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nêu cao sự gương mẫu, công tâm, khách quan, minh bạch và chặt chẽ trong thẩm quyền xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, chỉ định, giới thiệu cán bộ ứng cử... nhằm tạo sự đồng tình trong hệ thống chính trị, trong dư luận, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình, quy chế về công tác cán bộ, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy định 114 và các quy định mới của Trung ương về công tác cán bộ, đảm bảo chủ trương, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng và người làm công tác tham mưu về công tác cán bộ phải nắm vững, đầy đủ những nội dung cơ bản, những điểm mới, điểm cốt lõi của Quy định 114 để tham mưu và tổ chức thực hiện nghiêm trong thực tiễn.
Riêng về Quy định 117 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho rằng, đây là văn bản có tính pháp quy đầu tiên của Đảng, cụ thể hóa quan điểm đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật oan được phục hồi quyền lợi bằng văn bản một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh. “Quy định này như là một lời nhắc nhở, cảnh báo tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc, trách nhiệm để không xảy ra oan sai phải xin lỗi”, đồng chí nhắc nhở.
Đồng thời lưu ý các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần phải tạo sự thông suốt trong nhận thức để củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ; tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định 117 đến tập thể và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong địa phương, cơ quan, đơn vị; mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm, thận trọng, khách quan để tránh những sai sót, tránh bị xử lý...
Các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy được yêu cầu tổ chức giám sát và đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát các nội dung liên quan việc triển khai văn bản mới.
“Từng cấp ủy phải có cơ chế tổ chức thực hiện có hiệu quả ở cấp mình; tổng hợp và phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chưa phù hợp thực tiễn để báo cáo, kiến nghị Trung ương kịp thời điều chỉnh”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải chỉ đạo.