TPHCM thu hồi 'đất vàng' 3 mặt tiền do vi phạm pháp luật
Khu 'đất vàng' 152 Trần Phú của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có 3 mặt tiền đường Trần Phú - Lê Hồng Phong - Trần Nhân Tông, quận 5 bị UBND TPHCM ra quyết định thu hồi do vi phạm pháp luật.
Vi phạm pháp luật
UBND TPHCM vừa có quyết định thu hồi hơn 30.972 m2 đất thuộc thửa số 38, tờ bản đồ số 10 (số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5) từng được cấp cho Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, nay là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinataba).
Khu đất này được UBND TPHCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, căn hộ cao cấp và Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00112/1a, đăng ký biến động ngày 26/8/2015 trên trang 4 giấy chứng nhận góp vốn cho Công ty TNHH Vina Alliance.
Lý do thu hồi đất là vi phạm pháp luật khi chuyển nhượng 30.927 m2 nêu trên không xin phép Thủ tướng Chính phủ theo kết luận thanh tra số 966/KL-TTCP ngày 20/9/2022 của Thanh tra Chính phủ, được Thanh tra Chính phủ thông báo công khai tại thông báo số 1871/TB-TTCP ngày 20/10/2022 về chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Vinataba. Căn cứ thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 về đất không được chuyển nhượng, tặng cho.
UBND TPHCM yêu cầu UBND phường 4 (quận 5, TPHCM) có trách nhiệm giao quyết định thu hồi cho Công ty TNHH Vina Alliance. Nếu Công ty TNHH Vina Alliance không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì lập biên bản, niêm yết quyết định này tại trụ sở UBND phường 4.
Công ty TNHH Vina Alliance, Vinataba phải chấp hành bàn giao khu đất thu hồi nêu trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM tiếp nhận, quản lý theo quy định. Đồng thời, bàn giao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00112/1a cho Sở Tài nguyên Môi trường quản lý.
Sau khi thu hồi, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM phải chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo quy định. Phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án sử dụng đất, trình UBND TPHCM xem xét.
Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM được giao rà soát, đề xuất xử lý đối với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho Công ty TNHH Vina Alliance và giấy đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho Vinataba có liên quan đến địa chỉ trụ sở hoạt động và địa điểm đầu tư dự án.
“Đất vàng” vi phạm
Khu đất số 152 Trần Phú là “đất vàng” của Vinataba có 3 mặt tiền đường Trần Phú - Lê Hồng Phong - Trần Nhân Tông, quận 5. Năm 2012, Nhà máy thuốc lá Sài Gòn đã hoàn thành việc di dời về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Thế nhưng trước đó, vào năm 2008, Vinataba và Công ty Thuốc lá Sài Gòn quyết định góp vốn thực hiện dự án thương mại trên chính khu đất 152 Trần Phú, cùng các đối tác là Công ty CP Thương mại và Đầu tư VI NA TA BA (thành viên của Vinataba), Công ty TNHH Đô Thành Việt và Công ty CP Xây dựng Thương mại Căn nhà Mơ ước (nay là Công ty CP DRH Holdings). Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 13/10/2008 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 19/1/2009.
Sau đó, các thành viên này đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Vina Alliance, vốn điều lệ 880 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông Vina Alliance bắt đầu có sự thay đổi khi các cổ đông sáng lập gồm Căn nhà Mơ ước, VI NA TA BA và Đô Thành Việt lần lượt thoái vốn khỏi dự án. Tại tháng 10/2009, cơ cấu cổ đông lúc này, gồm Pacific Alliance Land Limited thuộc quỹ đầu tư VinaCapital (62% vốn điều lệ), Vinataba (20% vốn điều lệ), Công ty TNHH Sơn Đông (10,5% vốn điều lệ) và Công ty Thuốc lá Sài Gòn (7,5% vốn điều lệ).
Đến đầu năm 2017, dự án 152 Trần Phú lại tiếp tục thay đổi chủ lần nữa, khi cổ đông lớn nhất là Pacific Alliance Land Limited đã chuyển nhượng 62% cổ phần cho Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức (có trụ sở tại 36 - 38 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TPHCM), thu về hơn 44 triệu USD. So với mức góp vốn 545,6 tỷ đồng (tương đương 34,1 triệu USD tại thời điểm đầu tư), Pacific Alliance Land Limited lãi 10,1 triệu USD.
Tiếp đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn 1/1/2017 - 30/6/2017 được Vinataba phát hành ngày 3/5/2018 cho thấy, vào ngày 13/6/2017, Vinataba đã tiến hành chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Vina Alliance cho Công ty TNHH Sơn Đông. Giá trị chuyển nhượng giữa hai bên là hơn 270 tỷ đồng. Trừ đi giá gốc của khoản đầu tư trên sổ kế toán, Vinataba thu về lợi nhuận hơn 94 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinataba còn gián tiếp sở hữu thêm 7,5% vốn ở Công ty TNHH Vina Alliance, thông qua Công ty Thuốc lá Sài Gòn - đơn vị thành viên do Vinataba sở hữu 100% vốn. Điều tương tự, Công ty Thuốc lá Sài Gòn cũng chuyển nhượng 7,5% vốn này cho Công ty TNHH Sơn Đông với giá hơn 100 tỷ đồng, ghi lãi hơn 35 tỷ đồng.
Tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 27/9/2017, Công ty TNHH Sơn Đông nâng tỷ lệ nắm giữ ở Vina Alliance lên mức 38%. Trong khi, Vinataba và Vinataba Sài Gòn hoàn toàn biến mất khỏi Vina Alliance. Điều này đồng nghĩa rằng, họ đã không còn liên quan gì ở dự án 152 Trần Phú.
Tại kết luận thanh tra số 966/KL-TTCP đã chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Vinata, như không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp nhà nước, làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.927 m2 đất tại số 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước và doanh nghiệp.
Khu đất 152 Trần Phú dường như là “mô típ” chung của rất nhiều sai phạm về đất công trong những năm qua theo kịch bản, doanh nghiệp Nhà nước mang “đất vàng” được Nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng đi góp vốn bằng quyền sử dụng đất, “bắt tay” với các công ty tư nhân để thành lập một pháp nhân mới nhằm đầu tư dự án bất động sản nhà ở, thương mại, rồi tạo “kẽ hở” tiến hành tư nhân hóa đất công với giá rẻ mạt,không qua đấu giá như từng xảy ra tại Sabeco, Vinafood 2...