TPHCM: Thương nhân chợ đầu mối Hóc Môn 'kêu trời', muốn bỏ chợ vì chợ tự phát

Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM), nhiều thương nhân 'kêu trời' và có ý định bỏ chợ ra ngoài kinh doanh vì cạnh tranh không lành mạnh do chợ tự phát.

Việc chợ tự phát không có dấu hiệu giảm mà ngày càng phát triển mạnh mẽ khiến thương nhân tại chợ đầu mối Hóc Môn “kêu trời”, muốn bỏ chợ.

Việc chợ tự phát không có dấu hiệu giảm mà ngày càng phát triển mạnh mẽ khiến thương nhân tại chợ đầu mối Hóc Môn “kêu trời”, muốn bỏ chợ.

Cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ quy hoạch chợ

Bà N.T.V. (SN 1967, ngụ huyện Hóc Môn) - thương nhân ngành hàng thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn bức xúc nêu ra hàng loạt vấn đề bất cập, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh hiện nay, như: Hàng chục điểm kinh doanh ngoài chợ hiện nay không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm bày bán dưới đất, người bán không tham gia các lớp tập huấn, không mặc đồ bảo hộ, nguồn gốc thịt heo không đảm bảo, nguồn nước rửa và thải không được xử lý vệ sinh, không tham gia đóng thuế…

Bà V. cho biết, theo quy hoạch chợ, khu vực xung quanh chợ được quy hoạch là khu dân cư liền kề. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay nhiều gia đình mướn căn nhà tầm 5 - 10 triệu đồng/tháng, sử dụng vào mục đích ở và kinh doanh mà không phải tham gia bất cứ nghĩa vụ nào. Những căn nhà ấy cũng không bị kiểm tra, xử lý triệt để. Chính điều đó đang làm nên sự cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ quy hoạch chợ.

 Các sạp thịt heo được bày bán tại chợ tự phát quanh khu vực chợ đầu mối Hóc Môn không đảm bảo trong quy chuẩn kê sạp, nguồn nước xả thải.

Các sạp thịt heo được bày bán tại chợ tự phát quanh khu vực chợ đầu mối Hóc Môn không đảm bảo trong quy chuẩn kê sạp, nguồn nước xả thải.

“Hàng chục điểm kinh doanh mọc lên như "nấm sau mưa", dẹp miết không hết, tiểu thương chúng tôi sắp hết chịu nổi. Với tình hình ra khỏi chợ vài bước chân là có chợ tự phát như vậy, nếu các cơ quan chức năng không khắc phục triệt để, xử lý nghiêm để đòi lại công bằng, bắt buộc chúng tôi phải bỏ chợ để tìm cách khác kinh doanh chứ không thể cạnh tranh nổi”, bà V. bức xúc nói.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi khảo sát về quản lý an toàn thực phẩm của HĐND TPHCM do ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm Trưởng đoàn, tối 12/8 rạng sáng 13/8, ông ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho hay, tình trạng chợ tự phát, nhất là buôn bán thịt heo ngoài chợ bắt đầu sau đợt dịch Covid-19. Thời điểm này chưa nhiều nhưng khi lượng người bán và mua tương đối ổn định, kéo theo một số mặt hàng khác nên tình trạng này diễn ra rầm rộ, sầm uất hơn.

Ông Tiển cho biết, hiện có 38 điểm kinh doanh tự phát ngoài chợ, nguồn thịt heo chủ yếu lấy từ lò mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc. Các điểm kinh doanh bày bán, sơ chế thịt heo pha lóc, thịt đầu trên sàn nhà, lòng đường, không đúng quy chuẩn, chủ yếu dọc theo các tuyến đường xung quanh chợ, như: Quốc lộ 22, Nguyễn Thị Sóc, số 3, số 4, số 12…

 Trong khi đó, các sạp trong chợ đầu mối Hóc Môn thực hiện đúng quy chuẩn và đảm bảo an toàn vệ sinh.

Trong khi đó, các sạp trong chợ đầu mối Hóc Môn thực hiện đúng quy chuẩn và đảm bảo an toàn vệ sinh.

Theo ông Tiển, sự khác biệt và chênh lệch lớn về công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng từ trang trại đến lò mổ, đến chợ; giá vốn cũng như nghĩa vụ đóng thuế và các dịch vụ khác tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, dễ dẫn nguy cơ đến phá vỡ quy hoạch chợ.

Ngoài các tuyến đường xung quanh chợ, người kinh doanh tự phát còn bỏ rác thải xuống lòng đường, vỉa hè, hình thành các điểm tập kết đổ rác tự nhiên gây mất vệ sinh môi trường, nguồn nước rửa chưa đảm bảo, nước xả thải chưa được xử lý đúng nơi gây mất vệ sinh.

Trong khi trong chợ được lắp đặt hệ thống hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước khi có sự cố xảy ra; phối hợp cùng Công an PCCC huyện Hóc Môn kiểm tra công tác PCCC tại các hộ kinh doanh tại chợ, nhưng chợ tự phát thì không.

 Trái cây trong chợ đầu mối được đóng gói theo thùng, có đầy đủ giấy tờ đối với các trái cây nhập.

Trái cây trong chợ đầu mối được đóng gói theo thùng, có đầy đủ giấy tờ đối với các trái cây nhập.

“Công tác PCCC bên ngoài chợ của các hộ kinh doanh không đảm bảo, chưa tự trang bị bình chữa cháy, cơ sở kinh doanh không được tập huấn kiến thức về PCCC. Việc bày biện tràn lan dễ bắt cháy, nhất là khi thời tiết nắng nóng”, ông Tiển nói.

Chợ tự phát vẫn đối phó cơ quan chức năng

Liên quan vấn đề này, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết, hiện có 126 điểm kinh doanh ngoài chợ. Khi kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận có những nơi lấy nguồn thịt từ chợ đầu mối, hàng đông lạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đoàn kiểm tra đã xử phạt 1 trường hợp.

Mặc dù huyện thành lập tổ công tác xử lý vấn đề trên bằng cách chia làm 3 ca, làm việc 24/24.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, tổ liên ngành gặp khó khăn trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối do các cơ sở kinh doanh có nhiều biện pháp đối phó, như: Vắng mặt, chủ yếu là người thuê người bán hàng nên không nắm giấy tờ để kiểm tra hoặc khi lực lượng chức năng kiểm tra thì cất hàng hóa vào kho lạnh.

“Thời điểm hiện tại, tình hình này vẫn không thuyên giảm. Việc mua bán xung quanh chợ không chỉ không công bằng đối với thương nhân trong chợ mà còn gây hậu quả về an toàn thực phẩm, mất trật tự, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, đây là trách nhiệm của địa phương”, bà Mai cho hay.

 Ông Cao Thanh Bình kiểm tra các giấy tờ liên quan trước khi xuất heo từ xe vào chợ.

Ông Cao Thanh Bình kiểm tra các giấy tờ liên quan trước khi xuất heo từ xe vào chợ.

Tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, đánh giá cao trách nhiệm của Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn; ghi nhận sự nỗ lực phối hợp của địa phương với các đơn vị để giải quyết những vướng mắc, bất cập.

Về vấn đề phát sinh chợ kinh doanh heo không theo quy hoạch ngoài chợ đầu mối, ông Bình cho rằng, để giải quyết được đòi hỏi các cơ sở, ban, ngành, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ.

“Công tác đảm bảo an toàn tại các chợ cần phải được đảm bảo để hình thành vành đai an toàn thực phẩm của TPHCM. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM phối hợp Sở Công Thương TPHCM nghiên cứu đưa ra những quy định để kiểm soát an toàn thực phẩm như truy xuất từ trang trại cho đến điểm tập kết trước khi đưa thực phẩm vào chợ đầu mối”, ông Bình nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tphcm-thuong-nhan-cho-dau-moi-hoc-mon-keu-troi-muon-bo-cho-vi-cho-tu-phat-post696483.html