TPHCM: Tình trạng thiếu quỹ đất lan sang cả trường tư
Không đủ quỹ đất để xây trường là một trong những khó khăn mà chủ các trường ngoài công lập tại TPHCM đang gặp phải. Nội dung này được đại diện nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phản ánh tại cuộc đối thoại với Sở GD&ĐT TPHCM, chiều 6/10.
Ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch tập đoàn Việt Mỹ, cho biết tập đoàn đang đầu tư 4 cơ sở giáo dục mầm non, 1 trường tiểu học với hơn 3.000 học sinh. Tại địa bàn huyện Bình Chánh (nơi có cơ sở giáo dục của tập đoàn này đang hoạt động), tình trạng thiếu trường, lớp diễn ra nghiêm trọng.
Do vậy, việc mở trường ngoài công lập phần nào san sẻ được áp lực này với hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy vậy, quỹ đất dành cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực giáo dục nằm ở những vùng xa dân cư với cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, việc giải phóng mặt bằng tốn chi phí lớn.
“Để doanh nghiệp cùng Nhà nước thúc đẩy phát triển giáo dục vùng ngoại ô thì chính quyền sở tại có cơ chế đặc thù nào hỗ trợ trong việc giải phóng mặt bằng hay không? Việc vay vốn với lãi suất 0 % trong 7 năm có được áp dụng cho giai đoạn đầu giải phóng mặt bằng, hay chỉ áp dụng cho giai đoạn sau khi dự án đã hoàn thành?”, ông Linh đặt vấn đề.
Cùng chung thắc mắc, ông Bùi Thanh Sơn, chủ một hệ thống giáo dục ngoài công lập cho hay, đơn vị hiện đang đầu tư vào giáo dục mầm non và sắp tới có định hướng xây dựng các trường phổ thông liên cấp.
Tuy vậy, việc tiếp cận quỹ đất hoán đổi, đặc biệt ở những khu vực có nhu cầu đầu tư, xây dựng trường liên cấp và tiếp cận vốn vay ưu đãi cho các đơn vị giáo dục hiện chưa rõ ràng. “Sau dịch, một số trường mầm non có nhu cầu mua bán, sáp nhập, chuyển đổi chủ sở hữu. Tôi mong có hướng dẫn rõ hơn về việc này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hoài Nam chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nhất là giai đoạn sau dịch COVID-19, song các quy định buộc phải tuân thủ.
Các doanh nghiệp cần xác định rằng đầu tư giáo dục là đầu tư lâu dài, không thể thu hồi vốn trong thời gian ngắn. Thiếu quỹ đất cho giáo dục là khó khăn tồn tại lâu nay của ngành, ở cả trường công lẫn trường tư. Sở GD&ĐT đang làm đề án xây dựng trường học trình UBND TPHCM phê duyệt.
Dự kiến, các quận huyện sẽ có khoảng hơn 100 dự án trường học được kêu gọi đầu tư xã hội hóa; trong đó, 86 dự án có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Sau khi thành phố phê duyệt, các địa phương sẽ có thông tin cụ thể về dự án cho các nhà đầu tư tham gia.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi mục đích sang đất giáo dục, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM thông tin, việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất đã có quy định cụ thể, việc này chỉ là đăng ký biến động chứ không không cần xin cấp phép.
Tuy nhiên, để xây dựng trường học, nhà đầu tư phải đảm bảo các yếu tố khác như phù hợp quy hoạch kiến trúc, các quy định pháp luật về xây dựng, an toàn giao thông… Khi đảm bảo các điều kiện, Sở sẽ cho phép nhà đầu tư đăng ký biến động sử dụng đất.
Về trường hợp Trường tiểu học, THCS và THPT Quốc tế Mỹ (AISVN - huyện Nhà Bè, TPHCM) bị phụ huynh có con từng học tại đây yêu cầu trường hoàn trả học phí với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, phản hồi Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng quản trị AISVN thừa nhận sự việc và cho biết, nguyên nhân khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trường đang trong quá trình tái cấu trúc, sẽ sớm trả lại tiền cho phụ huynh.