TPHCM: Trí thức hiến kế để 'đầu tàu' bứt phá

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức kiều bào tiêu biểu cho rằng, đã đến lúc TPHCM cần trực tiếp và tích cực vận động, thu hút, sử dụng người tài cho giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc.

Ngày 22/12, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024. Sự kiện thu hút khoảng 300 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Trí thức gửi tâm tư lớn cho 'đầu tàu' cả nước

Tại Hội nghị, TS.BS Lê Quốc Sử - Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park nhìn nhận, TPHCM hiện là trung tâm y tế lớn nhất nước, có số bệnh nhân khám ngoại trú và nội trú hàng năm cao nhất, mô hình cung cấp dịch vụ y tế đa dạng nhất và cũng là nơi có nhiều bệnh viện (BV) nhất,…

TS.BS Lê Quốc Sử đóng góp ý kiến trong lĩnh vực y tế của TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

TS.BS Lê Quốc Sử đóng góp ý kiến trong lĩnh vực y tế của TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

Dù vậy, nhiều BV công hàng đầu của thành phố, như Chợ Rẫy, Ung bướu, Đại học Y Dược, Nhân Dân 115, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2,… thường xuyên quá tải trong nhiều năm qua.

Do chưa có chính sách cụ thể về tối ưu nguồn lực, nhất là các bác sĩ giỏi của BV công nên khu vực tư nhân đã tìm mọi cách mời bác sĩ giỏi về làm việc. Điều này khiến khu vực công mất hoặc đi nguồn nhân lực tốt cần được tối ưu hóa.

Ở lĩnh vực khoa học công nghệ, GS.TS Đặng Lương Mô - Giáo sư Danh dự các Đại học Hosei, Tokyo (Nhật Bản); Cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM chỉ ra các "điểm nghẽn" đang cản trở phát triển.

GS.TS Mô nhìn nhận chủ trương lớn đã dẫn ở trên, có 80% kiều bào hiện đang sinh sống ở các nước tiên tiến về khoa học công nghệ, về phát triển công nghiệp, thì đây là nguồn lực to lớn, là nguồn tài nguyên vô tận và quý giá.

2 năm sau khi Nghị quyết 36-NQ/TW ra đời, GS.TS Đặng Lương Mô tham gia đề xuất thành lập Câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật Việt kiều nhằm làm cầu nối giữa các nhà khoa học kỹ thuật Việt kiều trên khắp thế giới với các tổ chức khoa học kỹ thuật và giáo dục đại học trong nước.

"Tôi đã có hân hạnh làm Trưởng Ban vận động thành lập Câu lạc bộ này. Trong đó, có một số trí thức tiêu biểu như bà Lương Bạch Vân, lúc ấy là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Ông Ngô Đức Chí, kiều bào Bỉ - TGĐ Công ty Global Cybersoft; GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, kiều bào Bỉ; PGS.TS Nguyễn Lương Dũng, kiều bào Đức và ông Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật", Giáo sư Mô nhớ lại.

GS.TS Đặng Lương Mô, Giáo sư Danh dự các Đại học Hosei, Tokyo (Nhật Bản) trình bày tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

GS.TS Đặng Lương Mô, Giáo sư Danh dự các Đại học Hosei, Tokyo (Nhật Bản) trình bày tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Từ hoạt động của Câu lạc bộ này, là cơ sở để TPHCM thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học việt kiều đầu ngành trên nhiều lĩnh vực về nước cống hiến. Thành phố đã trao cơ chế để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), trực thuộc Khu Công nghệ phần mềm của ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

GS.TS Đặng Lương Mô cho biết, trải qua những khó khăn ban đầu, ICDREC đã thiết kế được những con chip đầu tiên của Việt Nam, ghi tên Việt Nam lên bản đồ vi mạch thế giới, làm một nhân tố quan trọng trong sự ra đời của Chương trình phát triển công nghệ bán dẫn vi mạch của TPHCM các giai đoạn về sau.

Tuy nhiên, ông cho rằng, các thành quả phát triển khoa học công nghệ của thành phố đến nay còn chưa tương xứng với nội lực và vị thế của thành phố. Do đó, đã đến lúc Nhà nước cần trực tiếp và tích cực tham gia vào công tác vận động, thu hút, sử dụng tài năng Việt kiều.

"Đã có huy động nguồn lực kiều bào, đã có sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài, thì hẳn cũng nên, đúng ra là cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng", GS.TS Đặng Lương Mô hiến kế.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, GS.TS Võ Văn Sen tâm tư, đại dịch covid-19 vừa qua đã cho thấy những góc khuất khác của đời sống kinh tế - xã hội ở TPHCM. Kể từ năm 1991, thành phố bắt đầu xây dựng các KCN, KCX có sự tập trung lao động cao. Kéo theo đó là làn sóng di cư từ các địa phương đổ dồn về thành phố, gây nên áp lực lớn về cơ sở hạ tầng, về hệ thống giáo dục, y tế và cả nhà ở. Dù tập trung lao động rất lớn nhưng việc xây dựng các khu lưu trú, nhà ở cho công nhân tại thành phố hết sức hạn chế.

Do đó, GS Sen góp ý quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hiện nay không chỉ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền phải giải quyết các đề về phát triển, tăng trưởng kinh tế, mà còn phải giải quyết nhiều bài toán đặt ra về mặt xã hội. Nhất là, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ các nhóm yếu thế; xây dựng văn hóa đô thị;...

Lắng nghe để phát triển thành phố

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ trí thức tiêu biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ trí thức tiêu biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Chủ trì Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình hành động của thành phố mong muốn phát triển đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, gắn bó vững chắc giữa Đảng và chính quyền với trí thức; trí thức có vai trò quan trọng trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tiếp thu ý kiến góp ý, hiến kế của đội ngũ trí thức thành phố. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tiếp thu ý kiến góp ý, hiến kế của đội ngũ trí thức thành phố. (Ảnh: Hồng Phúc).

Theo ông Nguyễn Văn Nên, dù TPHCM vẫn duy trì được các mục tiêu tăng trưởng và vị thế "đầu tàu" cả nước, thế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng để tháo gỡ, quyết liệt giải quyết từng bước, từng việc trọng tâm, cụ thể.

Trong quá trình này, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM mong muốn, Chương trình hành động của thành phố sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, để xây dựng đội ngũ trí thức đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước và phát triển toàn diện thành phố.

Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP HCM tặng hoa chúc mừng các trí thức tiêu biểu thành phố tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP HCM tặng hoa chúc mừng các trí thức tiêu biểu thành phố tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Để đạt được mục tiêu đề ra, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho thành phố và đất nước.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã trân trọng, ghi nhận và mong muốn tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của đại biểu trí thức cho sự phát triển chung của thành phố, nhất là các giải pháp để thành phố cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc.

THÀNH LUÂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tphcm-tri-thuc-hien-ke-de-dau-tau-but-pha-10296986.html