TPHCM: Tuyên dương 99 giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố năm học 2022-2023
Sáng 9-8, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố chủ đề 'Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ' năm học 2022-2023.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, hội thi diễn ra ở cấp quận, huyện và TP Thủ Đức từ tháng 12-2022 đến tháng 3-2023.
Qua thống kê, toàn thành phố có 12.083/25.114 giáo viên (chiếm tỷ lệ 48,1% giáo viên mầm non) tham gia thi cấp cơ sở, trong đó có 9.658 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi.
Ở vòng thi cấp quận, có 1.455 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi. Từ kết quả vòng thi cấp quận, các phòng GD-ĐT và trường mầm non trực thuộc chọn ra 99 giáo viên tiêu biểu tham dự vòng thi cấp thành phố.
Tại vòng thi cấp thành phố, các giáo viên thực hiện phần thi thuyết trình trong 2 ngày 2 và 3-3-2023 về các giải pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Sau đó, ở phần thi thực hành diễn ra từ ngày 4-3 đến ngày 18-5-2023, giáo viên tổ chức các hoạt động làm minh chứng cho công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đồng thời trả lời câu hỏi tình huống do giám khảo đặt ra.
Kết quả, Sở GD-ĐT TPHCM đã trao 10 giải nhất, 20 giải nhì, 30 giải ba và 39 giải khuyến khích cho các giáo viên đạt thành tích cao tại hội thi.
Đại diện Phòng Giáo dục mầm non thông tin, năm học 2022-2023, tổng số giáo viên tham gia hội thi tăng 2.364 giáo viên so với năm học 2021-2022.
Bên cạnh đó, chủ đề thi được thay đổi qua từng năm học, tuy nhiên vẫn theo định hướng chủ đề chung là xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025.
Nội dung các chủ đề có sự bổ trợ cho nhau, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
Qua sân chơi này, giáo viên được tạo cơ hội phát huy khả năng sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ số vào dạy học, tổ chức môi trường lớp học theo hướng tận dụng không gian giúp trẻ tham gia các hoạt động đa dạng, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình.
Đánh giá về kết quả hội thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, các giáo viên đã chứng tỏ được năng lực, nhiệt huyết, tình yêu nghề, yêu trẻ qua các phần thi thuyết trình, thực hành và trả lời tình huống.
Hội thi góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng thông qua các hoạt động xây dựng môi trường vật chất khang trang, xanh sạch, an toàn, thân thiện; trang bị phương tiện đồ dùng, đồ chơi đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động trải nghiệm, khám phá của trẻ, qua đó nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Đây là nhiệm vụ không chỉ thực hiện trong thời gian ngắn hay một giai đoạn mà cần thực hiện lâu dài và nghiêm túc, hướng đến mục tiêu xây dựng mối quan hệ bền vững giữa tất cả giáo viên và cha mẹ học sinh, phát huy tối đa lợi ích của hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục phát huy kết quả hội thi, đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng mối quan hệ tích cực giữa nhà trường và gia đình nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, đảm bảo các tiêu chí “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.