TPHCM tuyên dương 'Những tấm gương thầm lặng mà cao cả'

Sáng 24-12, UBND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức tuyên dương 'Những tấm gương thầm lặng mà cao cả' trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM lần 6, năm 2024.

Tham dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM...

Từ 234 hồ sơ đề nghị xét chọn (65 tập thể, 169 cá nhân), Hội đồng xét chọn, tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM lần 6, năm 2024 đã họp và cho ý kiến thống nhất chọn tuyên dương 17 tập thể và 23 cá nhân.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ với các gương thầm lặng tại chương trình gặp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ với các gương thầm lặng tại chương trình gặp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

40 gương “thầm lặng mà cao cả” dù mỗi người có hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng việc làm của họ có điểm chung là thầm lặng cống hiến cho cộng đồng. Mỗi gương là đại diện cho những câu chuyện đầy cảm xúc, những việc làm không vụ lợi cho bản thân, đậm chất nhân văn, nhân đạo, nghĩa tình sâu sắc.

 Những tấm gương thầm lặng mà cao cả tham quan UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả tham quan UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đó là những tấm gương giàu lòng nhân ái, những con người dù nhỏ bé nhưng vẫn muốn chia sẻ những gì mình đang có với những hoàn cảnh khó khăn hơn. Họ đã làm những điều này một cách âm thầm và bền bỉ trong suốt thời gian dài.

 Những tấm gương thầm lặng mà cao cả tại chương trình gặp mặt cùng lãnh đạo thành phố. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả tại chương trình gặp mặt cùng lãnh đạo thành phố. Ảnh: VIỆT DŨNG

 Những tấm gương thầm lặng mà cao cả tham quan UBND thành phố

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả tham quan UBND thành phố

Như GS-TS Lê Ngọc Thạch, dù đã về hưu nhưng ông vẫn nặng lòng với nghiên cứu khoa học và hoạt động thiện nguyện. Khi cơn bão số 3 (bão Yagi) gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc, nhiều người không khỏi xúc động trước hình ảnh vị giáo sư 76 tuổi cầm sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng để gửi ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Đó là sổ tiết kiệm ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và viết sách trong nhiều năm. Ít ai biết rằng, hàng chục năm qua, GS Lê Ngọc Thạch đã có vô số lần đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện như thế.

 Đồng chí Phan Văn Mãi gắn huy hiệu đến gương thầm lặng mà cao cả. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Phan Văn Mãi gắn huy hiệu đến gương thầm lặng mà cao cả. Ảnh: VIỆT DŨNG

 Đồng chí Phan Văn Mãi gắn huy hiệu, trao tặng quà đến các tấm gương thầm lặng mà cao cả. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Phan Văn Mãi gắn huy hiệu, trao tặng quà đến các tấm gương thầm lặng mà cao cả. Ảnh: VIỆT DŨNG

GS Lê Ngọc Thạch chia sẻ nhờ đi dạy, nghiên cứu, viết sách..., ông để dành được tiền nên có điều kiện giúp đỡ mọi người. Nghĩ nhiều đến những người còn khó khăn nên khi nào gom được tiền là ông mang đi đóng góp cho các hoạt động cộng đồng, hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, thông qua việc đóng góp cho các giải thưởng, quỹ học bổng.

Trong các gương được tuyên dương, có những giáo viên về hưu nhưng vẫn chưa ngừng nghỉ, tiếp tục mở lớp phổ cập, lớp học tình thương để những bạn nhỏ không có điều kiện đến lớp được học tập, có kiến thức cơ bản, cần thiết để bước vào đời.

 Những tấm gương thầm lặng mà cao cả trước giờ tuyên dương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả trước giờ tuyên dương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hay có những bạn trẻ dành 1, 2 ngày trong tuần để cùng nhau dọn dẹp những dòng kênh nước đen, giúp trả lại dòng kênh sạch cho người dân, thiếu nhi vui chơi, cụ già tập thể dục... được hít thở không khí trong lành. Cũng có những tấm gương đang tuổi đôi mươi bừng sức trẻ sẵn sàng dành thời gian để nấu những bữa ăn, những tô mì 0 đồng làm ấm lòng những người cơ nhỡ, những cảnh đời phải kiếm sống về đêm.

Đặc biệt, rất nhiều tấm gương dù tuổi cao, tay chân đã yếu, nhưng vẫn đẩy những xe nhỏ chứa gạch đá, tô trám lại mặt đường chỉ với suy nghĩ rất đơn giản: giúp việc đi lại của bà con được thông suốt, an toàn hơn.

 Ông Trần Hoàng Út chia sẻ tại chương trình gặp gỡ cùng lãnh đạo thành phố. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Trần Hoàng Út chia sẻ tại chương trình gặp gỡ cùng lãnh đạo thành phố. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước khi diễn ra lễ tuyên dương, lãnh đạo thành phố đã có buổi gặp gỡ với 40 tấm gương thầm lặng mà cao cả lần 6. Chia sẻ tại chương trình gặp gỡ, ông Trần Hoàng Út, đại diện cho nhóm “Blouse trắng - Hát cho yêu thương” bày tỏ niềm vui khi có cơ hội được gặp những tấm gương rất đặc biệt.

“Có người đã thầm lặng làm những việc ý nghĩa trên 20 năm mà không cần ai biết, chỉ với mục tiêu duy nhất là chia sẻ cuộc sống của mình để làm vơi đi khó khăn của những người khác. Những việc làm bé nhỏ đó đã tạo ra bức tranh rất đẹp, minh họa cho tinh thần đoàn kết, chia sẻ tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay”, ông Trần Hoàng Út xúc động.

Ông Trần Hoàng Út cùng các tấm gương tiêu biểu cũng bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ hơn nữa bằng các phương thức phù hợp để những người có việc làm thầm lặng thêm điều kiện, cơ hội hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn.

 Lãnh đạo TPHCM cùng 40 gương tiêu biểu đã dâng hoa báo công lên Bác tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lãnh đạo TPHCM cùng 40 gương tiêu biểu đã dâng hoa báo công lên Bác tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước khi diễn ra lễ tuyên dương, lãnh đạo TPHCM cùng 40 gương tiêu biểu đã dâng hoa báo công lên Bác tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-tuyen-duong-nhung-tam-guong-tham-lang-ma-cao-ca-post774584.html