TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ thống nhất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai
Các tỉnh, thành nhìn nhận, việc quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương.
Văn phòng UBND TPHCM ngày 10/8 ra thông báo kết luận của lãnh đạo TPHCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TPHCM và các địa phương diễn ra ngày 7/7 vừa qua.
Theo đó, các địa phương thống nhất đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn và các địa phương trong vùng nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa....) với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn; báo cáo, đề xuất UBND TPHCM xem xét chỉ đạo cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Đồng thời, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng của các địa phương, tham mưu triển khai thực hiện nội dung này và gửi các địa phương góp ý định hướng quy hoạch ngay trong tháng 8/2023.
Về kết nối trong lĩnh vực y tế, TPHCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ thống nhất nghiên cứu, trình Bộ Y tế phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng bệnh viện tuyến cuối của vùng. Cùng đó, giao Sở Y tế TPHCM chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế, các bệnh viện, các viện và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế của TPHCM và các tỉnh trong vùng thường xuyên duy trì công tác liên kết y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng, phát triển hệ thống hội chẩn từ xa từ y tế dự phòng đến y tế chuyên sâu, nâng cao năng lực y tế cho các địa phương và giảm áp lực cho y tế, hạ tầng của TPHCM.
Các địa phương vùng Đông Nam bộ cũng thống nhất về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và các hoạt động hỗ trợ của Đại học Quốc gia TPHCM. Tiếp tục định hướng mở rộng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng lĩnh vực cụ thể.
Trên lĩnh vực giao thông, lãnh đạo TPHCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất hợp tác khai thác, phát triển các tuyến đường thủy nội địa: tuyến Vũng Tàu – Cần Giờ, Vũng Tàu – Cảng Bạch Đằng và các tuyến đường thủy nội địa khác. Thống nhất nghiên cứu, đề xuất tuyến đường thủy nội địa Cần Giờ - Gò Công để kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng trong định hướng hợp tác kết nối giao thông, TPHCM và Tây Ninh thống nhất phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án Cao tốc TPHCM – Mộc Bài trong quý III năm nay nhằm kịp hoàn thành tiến độ kết nối với tuyến cao tốc Phnôm Pênh – Bavet phía Campuchia.